Nhà chú Hỏa - Cột mốc nơi chốn, ký ức tập thể

Minh họa: Leo cho Tản Mạn Kiến Trúc

10-04-2024

Những câu chuyện về gia đình của chú Hỏa cùng những hạng mục kiến trúc mà gia đình ông xây dựng đã trở thành một phần trong ký ức tập thể của đô thị Sài Gòn. 

Thương nhân Hui Bon Hoa được cư dân Sài Gòn quen gọi là chú Hỏa. Những câu chuyện về gia đình của ông, cùng những hạng mục kiến trúc mà gia đình Hui Bon Hoa xây dựng đã trở thành một phần trong ký ức tập thể của đô thị Sài Gòn. Trong số những công trình gắn với chú Hoá, khu biệt thự Huỳnh Vinh Viễn Đường được biết đến nhiều nhất. Ngày nay cụm biệt thự được chuyển đổi chức năng thành Bảo tàng Mỹ thuật, được giới hạn bởi các con đường Phó Đức Chính, đường Lê Thị Hồng Gấm và đường Nguyễn Thái Bình tại Quận 1, TpHCM.

Khu biệt thự toạ lạc tại vị trí đắc địa, chiếm gần trọn một góc phố giữa trung tâm thành phố Sài Gòn đầu thế kỷ 20, nằm bên cạnh chợ Bến Thành và các khu thương mại, tài chính quan trọng. Ban đầu khu biệt thự gồm có bốn căn nhà*, quy mô lớn nhỏ khác nhau và được xây dựng trải dài từ những năm 1910 tới những năm 1950. Bốn căn biệt thự được sử dụng làm nhà ở cho các thế hệ trong gia đình chú Hoả. Bên cạnh đó còn có khu nhà phố cho thuê và nhà ở của người giúp việc ở góc còn lại của khu đất, nay là góc đường Nguyễn Thái Bình và đường Calmette. Các công trình được xây dựng trải dài trong gần nửa thế kỷ, vì thế mỗi ngôi nhà mang một phong cách đặc thù, minh hoạ cho sự thay đổi thị hiếu trong thành phố qua chừng ấy năm tháng.

*Căn nhà thứ tư nay đã bị phá hủy và vị trí này hiện là một khu đất trống.

Trọng Huấn Lâu (Thang-Hung Pavillion) là tòa nhà bề thế nhứt trong Huỳnh Vinh Viễn Đường, cũng là hạng mục người dân Sài Gòn nhớ đến khi nghĩ về "nhà chú Hoả". Ngôi nhà được xây dựng hoàn thiện vào cuối thập niên 1930, là nơi cư trú của ông Huỳnh Trọng Huấn - con trai cả của chú Hỏa, cùng các con của ông Huấn.

Tòa nhà nổi bật với khối tích to lớn hình chữ U bao lấy sân trong. Mặt tiền được nhấn mạnh bằng những khoảng lồi lõm, bắt lấy ánh sáng và tạo nên những mảng bóng đổ kịch tính trên mặt đứng, phảng phất tính chất Tân Baroque vốn thịnh hành ở Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Một số chi tiết có tính Trung Hoa được điểm xuyết lên mặt tiền như mái ngói âm dương, cặp câu đối chữ Hán, những mảng trang trí bằng gốm xanh lam. Những chấm phá truyền thống làm cho tòa nhà có thêm nét Pháp-Hoa (Franco-Chinois).

Câu đối tại cửa vào Trọng Huấn Lâu:

文藻流芳別拓海天堂構

紫芝毓秀允宜富貴雲礽

Phiên âm:

Văn tảo lưu phương, biệt thác hải thiên đường cấu

Tử chi dục tú, doãn nghi phú quý vân nhưng

Tạm dịch:

Văn chương lưu danh, khai thác cơ đồ sánh ngang trời biển

Cỏ chi nảy nở, ứng với con cháu vinh hiển muôn đời


Vinh Viễn Đường, toà nhà ở giữa khu đất, là căn nhà đầu tiên được khởi dựng tại ô đất này. Lối kiến trúc cùng kỹ thuật, vật liệu xây dựng của ngôi nhà phản ánh nhiều đặc điểm của Sài Gòn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của đô thị Sài Gòn. Căn nhà vốn được thiết kế theo phong cách Tân Cổ Điển, nhưng đến lần tu sửa vào thập niên 1930, nhiều nét chấm phá mang phong cách Art Deco đã được đưa vào, thể hiện trên các ô cửa sổ, cùng gờ chỉ vuông vức, họa tiết trên hệ lan can, mái đón và cửa sắt mang tính kỷ hà (hình học gãy gọn), cùng hệ mái bằng có dàn leo (pergola) ở sân thượng. Vinh Viễn Đường được sử dụng làm văn phòng cho công ty địa ốc Huibonhoa, bên trong có nhiều không gian lớn dành cho hoạt động giao tiếp.

Hình ảnh: Triệu Chiến

Trọng Bình Lâu (Thang-Ping Pavillon) là toà lầu ba tầng nằm ở góc khu đất, có diện tích sàn nhỏ nhất trong tổng thể. Ngôi nhà đặt theo tên người con thứ ba của chú Hoả là ông Huỳnh Trọng Bình, và cũng là nơi cư trú của con cháu ông Bình về sau. Hình khối khúc chiết mang tính Tân Cổ điển được phối hợp thêm chút uốn lượn của Tân Baroque trong những khung cửa sắt uốn và lan can thang. Cầu thang xoắn ốc cùng hệ cửa kính màu dọc theo cầu thang đã trở thành góc chụp ảnh quen thuộc của khách tham quan. Giống như Trọng Huấn Lâu, ngôi nhà này cũng từng có một thang máy kiểu hộp gỗ đầu thế kỷ 20.

Dinh thự của chú Hoả trở thành hình mẫu về cuộc sống lý tưởng của thị dân Sài Gòn đến tận ngày nay. Huỳnh Vinh Viễn Đường - hay đơn giản là “nhà chú Hỏa” - được nhiều người ca ngợi và ao ước vì vẻ hào nhoáng, xa hoa, những cánh cửa lung linh kính màu và những dãy hành lang dài đan cài. Qua thời gian, những lớp chuyện kể vừa thật, vừa huyễn hoặc được phủ lên công trình này, biến nó trở thành một dạng cột mốc nơi chốn và một phần của ký ức tập thể trong đời sống phố thị Sài Gòn.

Bài viết: Nick

Hình ảnh: Thạch Duy Khang

Minh họa: Leo

Bài viết liên quan

Bên cạnh các công trình cộng đồng quan trọng hàng đầu như miếu và hội quán, cư dân người Hoa cũng xây dựng các hạng mục dành tưởng niệm người đã khuất, đó là nghĩa trang và nghĩa từ.

Chùa Khải Tường, nơi Hoàng đế Minh Mạng ra đời, đã hoàn toàn biến mất song lại chứa nhiều chỉ dấu quan trọng cho lịch sử Sài Gòn - Gia Định và miền Nam nói chung.