[Trà đàm] Di sản Hán Nôm ở đình chùa Nam Bộ

Trong chương trình Trà đàm 3, chúng ta cùng tìm hiểu về di sản Hán Nôm ở đình chùa miền Nam từ những tư liệu điền dã của diễn giả Kiến Nam. Buổi tọa đàm kết thúc bằng một bài thực hành, trong đó người tham dự sẽ được hướng dẫn cách tiếp cận với một văn bản Hán Nôm ở đình, cấu trúc của một văn bản điển hình, giá trị lịch sử và văn chương của văn bản.

Diễn giả Phan Nguyễn Kiến Nam

Năm 2022, Tản Mạn Kiến Trúc có dịp mời thầy Kiến Nam dẫn dắt chương trình tìm hiểu chữ Hán tại chùa Giác Lâm.

Chương trình lần Trà đàm lần 3 là một phản hồi và mở rộng những nội dung đã thảo luận từ năm trước của Tản Mạn Kiến Trúc. Thầy Kiến Nam dịp này sẽ quay lại và chia sẻ những đúc kết sau quá trình nhiều năm đi điền dã tại Nam Bộ của thầy. Sau khi nghe chia sẻ về di sản Hán Nôm trong đình chùa, chúng ta cùng thực hành đọc văn bản sắc phong để rút kết những nét đặc sắc của loại hình văn bản này.

Đình Châu Phú ở An Giang. Hình ảnh do Duy Linh thực hiện.

Thầy Kiến Nam là thạc sĩ văn học cổ điển và thực hiện việc giảng dạy chương trình tiếng Hán cổ và Hiện đại. Trong sự kiện này thầy sẽ dẫn dắt người tham gia vào con đường xưa xa mà các văn bản Hán Nôm để lại trong những ngôi đình cổ miền Nam - những cột mốc ký ức, tinh thần của các cộng đồng. Học và bắt đầu nghiền ngẫm di sản chữ viết của người xưa là để cùng nhau hồi tưởng lại những đổi thay trong dòng lịch sử miền Nam.

Đối với Tản Mạn Kiến Trúc, văn bản không chỉ là chữ nghĩa, văn bản còn là sự lưu dấu của tinh thần và những giấc mơ từ những người viết ra chúng. Còn đình vừa là nơi tôn kính các bậc thần linh và cả các bậc tiền hiền, cũng vừa là không gian cố kết của cộng đồng, chốn neo giữ ký ức của con người về quê hương xứ sở.

Con đường nghiên cứu cổ văn là con đường học cảm về tinh thần thông qua chữ nghĩa và việc viết. Viết còn là học về sự chảy trôi trong dòng thời gian và tìm được tri âm bất kể tháng năm. Đọc văn bản là tái kết nối với những tâm tư được gửi lại từ nhiều thời đại trước, do đó trong sự kiện này thầy Kiến Nam cũng sẽ hướng dẫn bạn các bước cơ bản để đọc Sắc phong thần và thấu hiểu ý nghĩa của hiện tượng văn hoá và tinh thần này.

Văn bản Hán Nôm lần lượt được tiếp cận dưới góc độ ngôn ngữ, văn chương, văn hoá và nghệ thuật tạo tác. Chia sẻ của diễn giả phần nào gợi lại những trải nghiệm của việc đi điền dã, di chuyển trong không gian và gặp gỡ cư dân. Sau khi nghe thầy Kiến Nam chia sẻ những đúc kết từ thực địa, mọi người cùng tham gia phần thực hành đọc văn bản sắc phong của đình Long Hồ. Phần thực hành đưa ra những gợi ý giúp người dự nắm bắt cấu trúc một sắc phong điển hình, những phần mang tính điển phạm và những dấu ấn riêng đặc trưng cho từng trường hợp.

"Di sản Hán Nôm ở đình chùa Nam Bộ"

Diễn giả: Thạc sĩ Phan Nguyễn Kiến Nam

Tổ chức và điều phối: Hiếu Y

Nội dung: Kiến Nam, Hiếu Y, Vương An Nguyên

Thiết kế: Sáng Minh Nguyễn, Lê Quan Thuận

Tản Mạn Kiến Trúc và Năm Năm Tháng Tháng tổ chức tại Nam Thi House