[Tọa đàm] Học sông Tây, hiểu sông Ta, từ Lyon đến Đồng bằng Sông Cửu Long một hành trình về nước

"Học sông Tây, hiểu sông Ta" là chương trình đầu tiên trong chuỗi thảo luận năm 2023 do Tản Mạn Kiến Trúc tổ chức nhằm tìm kiếm những cách kiến giải về kiến trúc theo nghĩa rộng: kiến trúc hiểu như dựng xây đời sống trong sự bảo bọc của thiên nhiên vô tận. Chương trình được xây dựng nhằm mở rộng bức tranh nghiên cứu liên ngành, đa góc nhìn về hiện trạng kiến trúc và di sản Việt Nam trước các biến đổi toàn cầu.

Tản Mạn Kiến Trúc vinh dự đón chào Giáo sư Chung Hoàng Chương, một chuyên gia đã có nhiều năm thực địa và nghiên cứu các đổi thay văn hoá và cảnh quan tại các quốc gia dọc theo dòng sông Mekong.

Trong chương trình, Giáo sư đặt ra góc nhìn đối chiếu giữa các mô hình quản lý sông tại châu Âu với bối cảnh sinh thái và văn hóa ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Nội dung của buổi nói chuyện là kết quả từ cuộc thảo luận tại thành phố Lyon, Pháp vào mùa Thu năm 2022, được tổ chức Initiatives pour l’Avenir des Grands Fleuves (IAGF) kết hợp cùng Công Ty Quốc Gia sông Rhone (CNR) thực hiện. Trước khi bế mạc, các chuyên gia đã biểu quyết một chương trình quảng bá, di chuyển kết quả của hội thảo đến những vùng châu thổ khác nhau trên thế giới để đón nhận thêm những phương pháp và ý kiến mới.

Cụ thể:

+ Mô hình quản lý sông Rhone và Saone được thực hiện như thế nào và có thể cung cấp những bài học nào cho trường hợp ĐBSCL?

+ Là một trong những đồng bằng dễ bị tổn thương nhất, hiện trạng của lưu vực sông Mekong được đánh giá như thế nào?

+ Xuyên qua những báo cáo khoa học, chúng ta hiện có kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, hay dài hạn chưa?

+ Kiến thức bản địa có thể đóng góp những gì trong nỗ lực giảm thiểu những tác động tai hại và bảo tồn lưu vực Mekong (Mekong Bassin Versant)?

Tản Mạn Kiến Trúc được gặp gỡ Giáo sư Chung Hoàng Chương lần đầu tiên trong một hội thảo tại An Giang. Mỗi lần được gặp lại, chúng tôi lại thấy bất ngờ với tần suất đi thực địa của thầy, lẫn được chia sẻ những nhận định đầy tâm huyết về sông Mekong và văn hoá của cư dân vùng đất này.

Giáo sư Chung Hoàng Chương từng giữ vai trò nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM; đồng thời là chuyên gia thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers. Ông từng là giảng viên Khoa Á Mỹ học, Đại học tiểu bang San Francisco, Hoa Kỳ. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục theo đuổi các nghiên cứu tự do tại lưu vực sông Mekong.

Trong chương trình, Giáo sư giới thiệu một số mô hình quản lý sông trên thế giới, trong đó có các trường hợp của sông Rhone và Saone. Các mô hình này nhấn mạnh tính hài hòa giữa kinh tế sông, sự phát triển của con người về phương diện vật chất và tinh thần, cùng khả năng tái tạo của thiên nhiên. Đặt trong bối cảnh của ĐBSCL, khi mà các tiên liệu không lạc quan về môi trường và nhân văn ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, Giáo sư đề xuất một số gợi ý về điều chỉnh chiến lược quản lý sông, tầm quan trọng của việc nghiên cứu các hệ sinh thái nước, quan tâm đến tri thức địa phương và vai trò của kinh tế nước tại vùng ĐBSCL.

Những thông tin khoa học được đan cài với những câu chuyện kể từ quá trình đi thực địa trong suốt hai thập niên của Giáo sư, khởi đi từ thượng nguồn của dòng sông, xuyên qua những đập nước thượng nguồn, qua các quốc gia vùng hạ nguồn sông Mekong trước khi đến với cư dân sông Cửu Long ở Việt Nam.

Tản Mạn Kiến Trúc gửi lời cảm ơn đến Giáo sư Chung Hoàng Chương vì buổi chia sẻ đầy thông tin, chuyện kể, tiếng cười lẫn sự chiêm nghiệm. Cảm ơn quý bạn đã đến tham dự chương trình, ghi chú thật tỉ mỉ và cùng tham gia thảo luận, trao đổi về chủ đề ĐBSCL. Theo dự kiến, đây là chương trình mở đầu cho chuỗi chương trình thảo luận liên ngành, đa góc nhìn về hiện trạng kiến trúc và di sản Việt Nam trước các biến đổi toàn cầu.

"Học sông Tây, hiểu sông Ta, từ Lyon đến Đồng bằng Sông Cửu Long một hành trình về nước"

Diễn giả: Giáo sư Chung Hoàng Chương

Tổ chức và điều phối: Hiếu Y

Thiết kế: Sáng Minh Nguyễn

Hình ảnh: Thạch Duy Khang

Tản Mạn Kiến Trúc và Năm Năm Tháng Tháng tổ chức tại Nam Thi House