Trà đàm 5 - Vẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày

Tản Mạn Kiến Trúc trò chuyện với Laita Design và Nhóm dịch giả trẻ về bản dịch cuốn sách Vẻ đẹp của những vật dụng hàng ngày của Soetsu Yanagi, đồng thời thảo luận về mối tương quan của quyển sách với bối cảnh thiết kế Việt Nam.

Trong quá trình tìm về bản chất và đặt lại vấn đề cho thế giới vật chất đang hiện hữu xung quanh mình, LAITA Design Studio đã bắt gặp cuốn sách The Beauty of Everyday Things của Yanagi Sōetsu, như là việc bạn cứ đi và tin vào con đường mình đi, bạn sẽ bắt gặp những kho báu. Thật vậy, cuốn sách giúp chúng tôi có thêm động lực mạnh mẽ để tiếp tục trên hành trình của mình. Và chúng tôi tin rằng cuốn sách cũng mang nhiều điều thú vị bất ngờ đồng thời tác động đến bất cứ ai khi đọc sách, bởi ai cũng nên có cho mình một cái nhìn mỹ học, không chỉ với thế giới hữu hình, mà còn cả cách ta nhìn về nhận thế giới đó nữa.

Cuốn sách này không nhằm giới thiệu về văn hoá, nghệ thuật Nhật Bản, những kiến thức này không còn quá xa lạ nữa, điều chúng tôi muốn hướng đến ở đây chính là nhận thức của chúng ta về giá trị của sự vật bất kể đó là những thứ bình thường nhất hay là một tác phẩm nghệ thuật. Một khi nhận thức đúng đắn sẽ đưa đến những suy tư, những con đường và những việc làm đúng đắn với bản chất vốn có của sự vật.

Thời gian của các bài tiểu luận, trong cuốn sách này, so với bối cảnh xã hội ngày nay của Việt Nam có những điểm tương đồng, những bối rối, những khúc mắc, trăn trở mà chúng tôi nhiều lần tranh luận cũng như nghe được từ những người bạn của mình trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Là một kiến trúc sư hay một nhà thiết kế, chúng ta có trong tay cơ hội tạo ra thế giới hiện tại, và liệu nó có thể tồn tại tới tương lai hay không sẽ từ chính giá trị mà chúng ta nhận thức được của hôm nay.

Việt Nam những năm gần đây đã có sự quay trở lại mạnh mẽ với những giá trị truyền thống, đó là một tín hiệu tốt, tuy nhiên việc mang y nguyên cái cũ đưa vào hiện tại thật vô nghĩa, nó cần được làm mới, được nghiên cứu và phát triển cho phù hợp với hiện tại. Cần làm gì để mỹ nghệ truyền thống không biến mất, không chỉ đóng khung trong bảo tàng, không bị xã hội thải hồi hay chỉ trở thành một thứ hàng hóa cho khách du lịch, mà phải tiếp tục hiện diện trong đời sống thường ngày của mọi người, với chất liệu mới, chức năng mới và có thể là cả hình dạng mới, nhưng vẫn tiếp tục là “mingei”?

Chúng ta vốn có một nền thủ công rất trù phú nhưng nó ngày càng mai một do sự phát triển nhanh chóng của xã hội tiêu dùng cũng như xu hướng công nghiệp hoá, việc duy trì và phát triển các làng nghề, các nghệ nhân cần có một tầm nhìn và sự cẩn trọng, quá khứ của Nhật bản đang là hiện tại của chúng ta, vậy thì hiện tại, ngành thủ công mỹ nghệ Nhật Bản đạt được những thành quả như thế nào từ những bài học đắt giá này, từ những con người tiên phong như Yanagi đã được cả thế giới ghi nhận, vậy tương lai của chúng ta sẽ ra sao?