[Workshop] Tập sự kiến trúc - Cảm thức Đông Dương

Trong chuỗi chương trình “Tập sự kiến trúc” lần 1, chúng ta cùng chu du qua những cảm thức về thời kỳ Đông Dương. Đây là chương trình do Tản Mạn Kiến Trúc, Năm Năm Tháng ThángVẫn đang suy nghĩ space phối hợp tổ chức.

“Tập sự kiến trúc” là chuỗi chương trình với nhiều thực hành đa dạng bao gồm tọa đàm, tản bộ và workshop sáng tạo. Chuỗi chương trình được phát triển theo cách hỗ trợ người tham dự nhập vai vào vị trí một người làm kiến trúc đang tập sự, trong đó người tham dự cùng tìm hiểu lịch sử của một phong cách/ thời kỳ kiến trúc cụ thể, bóc tách những đặc điểm chủ đạo từ các công trình nổi tiếng của thời kỳ này qua việc thu thập dữ liệu từ những chuyến tham quan thực tế.

Đích đến của chương trình là một thực hành sáng tạo từ các chất liệu và phương pháp thể hiện đa dạng và phong phú để làm nên phiên bản kiến trúc của riêng mình.

Trong chuỗi chương trình “Tập sự kiến trúc” lần 1, chúng ta cùng chu du qua những cảm thức về thời kỳ Đông Dương với lịch chương trình như sau:

🔴 Buổi 1 - Tọa đàm - VÀI NÉT VỀ KIẾN TRÚC PHONG CÁCH ĐÔNG DƯƠNG 

Men theo những đan cài giữa phương Đông và phương Tây, chúng ta cùng trở về đầu thế kỷ 20 nhằm tìm hiểu bối cảnh ra đời của phong cách Đông Dương, bên cạnh những vấn đề xã hội, thẩm mỹ đặc thù của thời kỳ này. Chương trình cũng giới thiệu quan điểm của các kiến trúc sư có ảnh hưởng và các công trình tiêu biểu của họ trong thời Đông Dương.

Kết thúc buổi 1, người tham dự có thể tự nhận diện các công trình mang phong cách Đông Dương và nắm bắt những đặc điểm quan trọng của phong cách này.

🟢 Buổi 2 - Bách bộ - TỪ BÁC VẬT QUÁN ĐẾN BẢO TÀNG LỊCH SỬ

Ghé thăm những đại diện tiêu biểu của phong cách Đông Dương tại Sài Gòn.

Bảo tàng Blanchard de la Brosse, nay là Bảo tàng Lịch sử TpHCM, do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế và được hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon thực hiện trong 3 năm 1926-27-28. Đối diện bảo tàng là Đền tưởng niệm chiến sĩ trận vong thời thế chiến, ngày nay là nơi tưởng nhớ các vua Hùng. Chúng ta cùng tương tác với không gian kiến trúc thực tế, nắm bắt cách dấu ấn phương Đông đã được đan cài vào các khuôn mẫu phương Tây để cho ra đời những đại diện Đông Dương điển hình.

Cùng tản bộ trong không gian kiến trúc, phân tích và bóc tách để chuẩn bị cho buổi thực hành tiếp theo.

🔵 Buổi 3 - Thực hành - TÁI DỰNG MẶT ĐỨNG ĐÔNG DƯƠNG TỪ CẢM NHẬN CÁ NHÂN

Chuỗi chương trình “Tập sự kiến trúc - Cảm thức Đông Dương” kết lại bằng hoạt động thực hành sáng tạo. Từ hai buổi 1 (tọa đàm) & buổi 2 (đi thực tế), chúng ta cùng gợi nhớ lại các thông tin, dữ liệu thu được và bóc tách, phân tích lần nữa theo góc nhìn riêng của từng người.

Được Thạc sĩ Nguyễn Trần Khánh Ngọc hướng dẫn qua từng bước cụ thể với phương pháp thiết kế collage art, sử dụng những chi tiết và hoa văn Đông Dương được cung cấp, người tham dự sẽ có đủ các nguyên liệu và kỹ năng cơ bản để có thể tự thử nghiệm sắp xếp và phối hợp các chi tiết mặt đứng khác nhau.

Đây là một thực hành thiết kế cơ bản và trực quan, đảm bảo người tập sự kiến trúc từng bước thực hiện và cuối cùng có khả năng sáng tạo nên một mặt đứng Đông Dương theo cảm nhận riêng. Sản phẩm mặt đứng sáng tạo được cũng được thiết kế để trở thành món quà trưng bày tại nhà dành riêng cho mỗi người tham gia.

Thông qua hoạt động thực hành lần này, Tản Mạn Kiến Trúc tiếp tục tìm kiếm những cách thức đa dạng để khám phá và thảo luận về kiến trúc cùng mối quan hệ giữa kiến trúc với cộng đồng đương đại.

Tản Mạn Kiến Trúc x Năm Năm Tháng Tháng x Vẫn đang suy nghĩ space

"Tập sự kiến trúc - Cảm thức Đông Dương"

Tổ chức và điều phối: Hiếu Y, Luu An, Khánh Ngọc

Nội dung: Hiếu Y, Luu An, Khánh Ngọc, Vương An Nguyên, Nick

Diễn giả và hướng dẫn thực hành: Khánh Ngọc, Nick, Hiếu Y

Thiết kế: Luu An, Sáng Minh Nguyễn

Hình ảnh: Duy Khang

Tản Mạn Kiến Trúc và Năm Năm Tháng Tháng cùng Vẫn đang suy nghĩ space tổ chức