Sắc màu huyền bí ở Khánh Vân Nam Viện, đạo quán của người Hoa ở Chợ Lớn

6Aug2022

Với chuỗi bài Những nơi chốn bị lãng quên, Tản Mạn Kiến Trúc mong muốn gợi nhắc về những địa điểm ít được biết đến nhưng lưu giữ nhiều giá trị trong các không gian đô thị đương đại. Tản Mạn Kiến Trúc mời bạn ghé thăm Khánh Vân Nam Viện khi có dịp nhé.

Nằm ẩn trong một con hẻm đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận 11), giữa khu vực Chợ Lớn sầm uất còn tồn tại một Đạo quán là nơi sinh hoạt và thực hiện lễ nghi Đạo giáo của người Hoa. Cụm kiến trúc với diện tích hơn 2000m2 này vốn tĩnh lặng vào ngày thường, đến dịp tháng 7  m Lịch lại trở nên sống động với nghi lễ "Phá cửa địa ngục - Xá tội vong nhân" giàu tính nhân văn. Trong dịp này, cả người Hoa lẫn người Việt trong khu vực đều đến tham dự nghi lễ để tìm sự an ủi cho người thân quá cố.

Cụm công trình mang đậm phong cách kiến trúc vùng Quảng Đông với những bờ mái thẳng trang trí tượng gốm cùng "Bác Cổ Tích", tường hồi cao, bề mặt ngoại thất ốp gạch men đỏ vàng làm tổng thể Đạo quán phủ một sắc trầm huyền bí. Theo khảo sát, cơ sở hiện tại của Đạo quán được dựng năm 1942 và đến năm 1943 thì khánh thành. Tương ứng với kỹ thuật thời kỳ này, toàn bộ các khối nhà đều xây dựng trên một bộ khung sườn bằng bê tông cốt thép, cả giàn vì kèo đỡ mái cũng được cải biên thành hệ chịu lực kiểu phương Tây.

Mặc dù được xây dựng tương đối muộn với ảnh hưởng của kỹ thuật phương Tây, cụm kiến trúc vẫn mang những đặc thù của kiến trúc hệ phái truyền thống Lĩnh Nam và có ý mô phỏng đạo quán ở Trà Sơn Khánh Vân Tổ Động, Nam Hải, Quảng Đông. Đa phần bài trí thờ tự trong Đạo Quán được duy trì nguyên vẹn từ lúc khánh thành, kể cả những mảng tường ám khói đen bóng do nhang đèn, càng tăng lên không khí trang nghiêm thần bí. Dưới sân thiên tĩnh trước chánh điện, một giếng trời lớn hình bát giác tựa như bát quái chiếu ánh sáng nhẹ rọi vào lễ vật dâng lên các thánh thần mỗi ngày cùng với hương khói lúc nào cũng đều đặn khiến khách viếng đạo quán luôn cảm giác thực hành tín ngưỡng tại đây lúc nào cũng đủ đầy và tràn đầy thành kính.

Các hành lang tối được chiếu sáng leo lét bởi các ngọn đèn dầu và các ô lấy sáng ở mái chiếu từng cột ánh sáng xuống nền gạch bông cũ. Dạo bước trong ánh sáng ấy khiến cảm xúc ngưng đọng vì cảnh vật như không đổi suốt nhiều thập kỷ. Những tấm ảnh cũ kỷ niệm của tập thể đạo nhân từ xưa đến nay và các bức thư pháp với bút lực mạnh mẽ được bày trí trang trọng, khiến nơi đây không chỉ là một cơ sở thực hành tín ngưỡng mà còn là nơi lưu giữ ký ức của một cộng đồng cùng chia sẻ một niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai và vào thế giới tâm linh huyền bí.

Bài viết liên quan

Ven những dòng sông ở Mang Thít, những lò gạch cuối cùng chậm rãi nhả khói. Đứng trước những lựa chọn đổi thay, những gì còn lại của một “vương quốc thịnh vượng” vẫn mang trong nó những khả năng lưu trữ ký ức giữa thời hiện đại...

Vĩnh Long là một đô thị có lịch sử lâu dài ở vùng trung tâm đồng bằng. Tại đây nhiều cộng đồng cư dân với nhiều lớp văn hoá đã cùng sinh sống và tương tác suốt các giai đoạn lịch sử của vùng đất.