Biểu tượng trên Bưu điện Trung tâm Sài Gòn

Cụm phù điêu trên măt tiền Bưu điện Trung Tâm Sài Gòn.

1Jul2021

Thông qua khảo sát ý nghĩa các biểu tượng trên các công trình thuộc địa, chúng ta có thể tiếp cận đến thông điệp của các nhà chức trách trong việc phô diễn một số giá trị nước Pháp đến với người dân thuộc địa. Các biểu tượng trong hệ thống trang trí thuộc địa tại Sài Gòn thường xoay quanh một thông điệp chung: khoa học, tiến bộ và văn minh. Điều này đồng nhất với các chương trình quảng bá cho hệ giá trị bảo hộ mà người Pháp đã thực hiện tại Việt Nam trong quá trình duy trì quyền lực tại đây.

Cùng với các công trình công cộng khác được xây dựng vào thời kỳ thuộc địa, Bưu điện Trung tâm Thành phố ngày nay là một trong những điểm tham quan nhất định phải đến đối với du khách đến tham quan Sài Gòn.

Hermes là vị thần truyền tin của đỉnh Olympus. Vị thần này được nhận diện qua chiếc mũ có cánh (một biểu tượng khác của thần, chiếc gậy Caduceus, được trang trí lặp đi lặp lại dọc theo mặt tiền công trình). Hermes đã được lựa chọn để đặt tại trung tâm công trình Bưu điện vì ngài là vị thần bảo trợ cho hoạt động truyền tin.

Trên chiếc mũ là hình tượng con gà trống Gaulois, một biểu tượng tinh thần của nước Pháp (nhiều tượng gà trống bằng gốm màu cũng được trang trí trên mái các biệt thự xưa quanh trung tâm thành phố Sài Gòn).

Bên dưới gương mặt thần Hermes là hai chiếc sừng sung túc, viết theo tiếng Latin là Cornucopia. Về mặt tạo hình, đây là một chiếc sừng rỗng đựng đầy vật phẩm nông nghiệp. Cornucopia tượng trưng cho sự thịnh vượng và sung túc. Đây là một đồ án phổ biến trong trang trí ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.

Tranh fresco vẽ Flora mang Cornucopia, tại Museo di Capodimonte, Naples

Trên đỉnh của cụm tượng là họa tiết lá cọ - palmette, được đặt ở đây nhằm tạo ra sự hoàn thiện về hình khối cho toàn cụm phù điêu hơn là vì ý nghĩa biểu tượng của nó. Lá cọ là một đồ án phổ biến trong trang trí phương Tây, bắt nguồn từ văn minh Ai Cập cổ đại, lan truyền sang khối văn minh Hy Lạp - La Mã và được tiếp biến rộng rãi tại các khu vực chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Hy-La. Trong một số tài liệu, đồ án này thường bị nhầm lẫn với rắn Nagar.

Tay vịn bình nước bằng đồng trang trí hình lá cọ, khoảng thế kỷ 5 TCN. Ảnh: Samuel D. Lee Fund, 1938

Nhành ô liu (bên trái) là một biểu tượng cho nền văn minh Athens, gắn liền với câu chuyện nữ thần Athena chiến thắng Poseidon. Truyện kể rằng nhằm giải quyết vụ tranh giành Athens giữa hai vị thần, các thần linh phán rằng ai tạo ra món quà phù hợp với cư dân thành Athens thì người đó chiến thắng. Poseidon đập cây đinh ba xuống đất và một dòng nước mặn tuôn trào. Athena tạo ra cây ô liu đầu tiên, và từ đó sinh ra muôn vàn vật phẩm có giá trị. Các vị thần tuyên rằng Athena chính là người chiến thắng. Do vậy, nhành ô liu là một biểu trưng cho trí tuệ, chiến thắng và hòa bình.

Đối diện với ô liu là một nhành sồi (oak). Đây là loài cây thường xuyên xuất hiện trong các loại hình nghệ thuật thị giác và ngôn từ của Hy Lạp cổ đại, đặc biệt trong các câu chuyện về hóa thân (metamorphosis). Trong nhiều phiên bản thần thoại, sồi được xem là biểu trưng của vị thần tối cao Zeus. Thông qua tiếng xào xạc của lá sồi, các vị tư tế có thể diễn dịch ý đồ của các vị thần linh. Như vậy, sồi thường gắn liền với sự bảo vệ, linh thiêng và tri thức.

Egg and dart (tiếng Pháp: oves et dards) là một dạng trang trí đường diềm xen kẽ giữa họa tiếng hình oval (trứng) và một đường kẽ nhọn (phi tiêu). Họa tiết này được dùng trên đầu cột theo thức Ionic. Ở Việt Nam, họa tiết này thường xuất hiện trên các diềm dọc theo thân tường, đặc biệt thường thấy trên các trường học và công thự thời thuộc địa, cũng xuất hiện trên nhà ở nhưng ở mức độ ít hơn.

Bài viết liên quan

Ngôi nhà cổ họ Mai với kiến trúc nhà rường truyền thống Việt, tuy vẻ ngoài khiêm nhường song lại ẩn tàng bề dày lịch sử tận thuở đầu tiên khi di dân đến xây dựng nên vùng đất phương Nam...

Nằm ở giao điểm của những dòng sông lớn, Chợ Mới là điểm hội tụ của các dòng lưu thông quan trọng, đồng nghĩa với việc vùng đất này liên tục đón nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa trong suốt lịch sử của nó...