Một lát cắt địa hình ở Tân Châu
15Jan2023
Tân Châu là một thị xã nằm sát biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Đặc điểm địa lý và sự giao thoa về văn hóa khiến Tân Châu trở thành một địa điểm đặc biệt thú vị để tìm hiểu kiến trúc. Tản Mạn Kiến Trúc thực hiện một minh họa lát cắt địa hình và những kiểu kiến trúc gắn liền với địa hình khu vực Tân Châu. Bạn đọc có thể tìm thấy bản minh họa này trong quyển sách “Tản mạn Kiến trúc Nam Bộ” do Nhã Nam phát hành.
Đường bộ: vừa là đường giao thông, vừa là đóng vai trò như đê bao điều tiết nước trong khu vực. Người dân bắt đầu mở rộng nhà cửa dọc theo hệ thống đường bộ này. Xem thêm về lịch sử xây dựng hệ thống đê bao ở khu vực An Giang, những chính sách kiểm soát tài nguyên cũng như ảnh hưởng sinh thái của hệ thống này trong quyển sách “Đầm Lầy - Kiến Tạo Quốc Gia Và Tự Nhiên Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long” của David Biggs.
Đường bộ
Người ta xây dựng những ngôi nhà sàn men theo bãi lầy thoải về phía lòng sông. Những ngôi nhà này được xây trên những cọc gỗ cắm xuống bãi lầy, về sau chất liệu gỗ dần được thay thế bằng cọc bê tông. Mặt sau của ngôi nhà thường có cầu dẫn để lấy nước và trao đổi với ghe thuyền trên sông. Mặt trước ngôi nhà thường cao bằng với mặt lộ. Trang trí thường được tập trung ở phía mặt trước.
Nhà xây trên bờ sông
Nhà xây trên bờ sông (chi tiết)
Khi xoay người nhìn về phía dòng sông, chúng ta sẽ thấy những ngôi nhà nằm giữa dòng nước. Đây là những ngôi nhà bè nổi trên sông, bên dưới có hệ thống lưới để nuôi cá bè, đồng thời là không gian sinh sống của những hộ dân. Những ngôi nhà bè thường tập trung thành cụm kéo dài.
Nhà bè trên sông
Nhà bè trên sông (chi tiết)
Đối diện ở phía bên kia đường là những bờ đất thoải dần về phía ruộng. Tương tự như nhà sàn mặt sông, những ngôi nhà ở phía này cũng được xây trên cọc, nhưng mặt sau hướng về phía ruộng. Những ngôi nhà của người Việt thường có đòn dông (tại vị trí tiếp nối giữa hai mái nhà) song song với hướng của đường lộ, trong khi những ngôi nhà của người Chăm thì có đòn dông vuông góc với đường lộ, do đó phần đầu hồi hình tam giác quay ra phía đường và được trang trí.
Nhà xây trên bãi ruộng
Nhà xây trên bãi ruộng (chi tiết)
Phía sau khu vực cư trú là những ruộng lúa rộng lớn. Khi quan sát từ lộ, có thể nhận thấy những đốm trắng rải rác giữa ruộng lúa, đó là những ngôi mộ được chôn cất ngay trên ruộng, có sự đa dạng về kiểu dáng, từ những ngôi mộ bằng đá ong, đá xanh hay vữa hợp chất truyền thống đến những ngôi mộ xi măng phủ gạch men hiện đại.
Mộ trên đồng ruộng mô phỏng một ngôi mộ bằng đá ong.
Mộ trên đồng ruộng (chi tiết)
Bài viết liên quan
Ở nông thôn, chúng tôi tìm thấy một mỹ cảm về đường biên, những dấu vết mềm mại vắt mình qua những chồng lấp của không gian và sinh thành nên một nơi chốn liền mạch...
Nằm ở giao điểm của những dòng sông lớn, Chợ Mới là điểm hội tụ của các dòng lưu thông quan trọng, đồng nghĩa với việc vùng đất này liên tục đón nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa trong suốt lịch sử của nó...