Vẻ đẹp thời gian chảy trôi nơi nhà cổ họ Mai, Vĩnh Long 

25May2022

Du hành không chỉ là di chuyển từ nơi này sang nơi khác, mà còn là thưởng ngoạn quang cảnh và đắm chìm trong cảnh sắc lẫn trải nghiệm có thể thay đổi tâm trí một đời người. Với ý nghĩa như thế, TMKT xin bắt đầu một chuỗi bài viết mới. Đây là hành trình du hành qua những nếp sống nơi cũ-mới đan xen, bởi ta không thể hiểu vẻ đẹp kiến trúc nếu không sống qua nó.

Hành trình đầu tiên chúng tôi giới thiệu đến các bạn là cuộc du ngoạn qua ngôi làng cổ ở trung tâm thành phố Vĩnh Long. Bước qua những ngôi làng lâu đời luôn làm lung lay cảm giác chắc chắn của ta về không gian và thời gian, để lạc vào sự xếp chồng, thu hẹp rồi đổi thay của những ngôi nhà đã truân qua nhiều thời đại. Và ngụ trên con đường mà TMKT đang đưa bạn đến là ngôi nhà cổ họ Mai với kiến trúc nhà rường truyền thống Việt, tuy vẻ ngoài khiêm nhường song lại ẩn tàng bề dày lịch sử tận thuở đầu tiên khi di dân đến xây dựng nên vùng đất phương Nam.

Bước qua hàng hiên, người lữ hành liền được xoa dịu cảm giác nóng rát của ánh nắng xứ nhiệt đới, và bước sâu vào bóng râm dịu dàng được tạo ra từ lớp ngói cổ xưa, để đắm mình trong không gian “vi khí hậu" với các chuẩn mực sáng tối cũng như nhiệt độ khác biệt hẳn với sự chói chang bên ngoài. Nội thất nhà cổ là sự sắp đặt tinh tế của những vùng nhập nhoà giữa sáng và tối, giữa những lớp cửa đóng-mở, vừa hé ánh sáng để làm nổi lên vân hoa ngũ sắc của xà cừ hay nhũ vàng, cũng vừa làm hoa cỏ và linh thú chạm khắc trở nên sống động giữa độ sâu bóng tối. Đó là thứ không gian được người xưa cất nhắc dựng lên để sống hài hoà với thứ ánh sáng chói chang của vùng đất này, để tạo ra một nơi nghỉ ngơi yên bình nhưng cũng không quá cách biệt với cảnh sắc của cỏ cây đung đưa giữa ban  trưa.

Chủ nhân ngôi nhà là chị Nhi, người sau nhiều nghĩ suy đã quyết định lưu giữ lại hiện trạng căn nhà và chăm sóc những di sản tổ tiên để lại. Tiếp đón chúng tôi bên bàn trà, chị kể: “Từ nhỏ tới lớn, chị sống trong nhà quen rồi nên chị thấy bình thường, tưởng là nhà ai cũng như vậy. Sau này lớn lên đi du lịch nhiều nơi, thấy mọi người chụp hình nhà cổ thì mới nhận ra nhà mình cũng đặc biệt. Chị mới quay về chăm sóc cho ngôi nhà của mình.”

Đô thị hiện đại được xây lên với những quy chuẩn Tây phương, với mặt kính chói chang và những con đường tấp nập xe cộ giờ đây đã bao trùm toàn cầu. Và chính khi đối diện với các làn sóng hiện đại đó, con người mới bắt đầu nhận ra niềm quyến luyến và thương nhớ ngôi nhà và mảnh vườn mình từng lớn lên. Cuộc sống trong những ngôi nhà cổ vừa mang niềm hoài cảm đẹp đẽ, nhịp sống thanh nhã, cũng bao gồm cả muộn phiền âu lo khi giữ lấy trách nhiệm gìn giữ nếp xưa. Như suốt Tết vừa qua chị đã dành số ngày nghỉ hiếm hoi để bóc tách, đánh bóng lại những bức liễn của gia đình vốn từng bị phủ mờ bởi sơn công nghiệp. Nhìn chị tập trung và nhẹ nhàng gột rửa những chi tiết tinh tế trên lớp khảm xà cừ làm chúng tôi suy nghĩ nhiều thêm về cũ-mới, về lựa chọn đổi thay. Dường như đã đến lúc có một thế hệ trẻ biết thương nhớ truyền thống.

Nội thất ngôi nhà là một không gian thoáng đãng được tạo ra bởi hệ khung to lớn. So với những ngôi nhà cùng thời ở miền Bắc và miền Trung, nhà gỗ dân cư miền Nam có xu hướng cao to và rộng rãi hơn. Lý do có thể là nhờ điều  kiện địa lý ôn hòa, nhờ vậy chủ nhân có thể tự do mở rộng ngôi nhà mà không lo chống chọi với những biến động cực đoan của thời tiết. Và nhờ khoảng cách giữa các bước cột cũng lớn hơn để tạo ra khoảng trống rộng thoáng nên cũng có nhiều không gian hơn cho những chi tiết trang trí đường bệ.

Gia đình nhà chị Nhi cho rằng ngôi nhà được một tổ tiên là bà Nguyễn Thị Nhàn đứng ra xây cất trong những năm 1860-1870. Nhà được bố trí theo mặt bằng tổng thể hình chữ đinh, với nhà chính và nhà phụ vuông góc nhau. Trang trí trong không gian thờ cho thấy sự giao thoa giữa kỹ thuật tạo tác của thợ Việt và thợ Trung Hoa. Khám thờ giữa nhà được dành cho Quan Công, một võ tướng trong lịch sử Trung Quốc được người Hoa sùng bái. Những chi tiết này cho thấy sự trao đổi văn hóa giữa người Việt và người Hoa trong nhiều thế kỷ cộng cư ở vùng đất phía Nam.

Sang đầu thế kỷ 20, gia đình đã mua sắm thêm nhiều vật dụng mang ảnh hưởng của châu Âu, khi kiểu dáng phương Tây trở thành mốt “tân thời” được nhiều người ưa chuộng. Nếu phòng riêng là không gian của cá nhân thì phòng khách - gian thờ là một chiếc hộp lưu trữ thị hiếu và ước mong của cả dòng họ. Nhìn vào phòng khách Việt chúng ta nhìn thấy những gương mặt lịch sử vang vọng lại từ dòng chảy của thời gian.

Trước khi tiễn chúng tôi ra về, chị Nhi cho biết chị mong muốn ngôi nhà tổ tiên của mình sẽ trở thành một điểm tham quan khi du lịch được phục hồi. Ngôi nhà hướng ra sông, thuận lợi để kết hợp trong một tuyến du lịch đường thủy. Vĩnh Long sở hữu những tầng lớp di sản phong phú nhưng trước nay vốn thường bị phớt lờ. Chúng tôi mong rằng mong ước của chị sẽ sớm thành hiện thực để vùng đất hiện lên dưới một góc nhìn mới đầy chiều sâu. 

Tản Mạn Kiến Trúc trân trọng cảm ơn chị Nhi cùng các chủ nhân của nhà cổ họ Mai vì đã đón tiếp chúng tôi, kể câu chuyện về tâm huyết giữ gìn di sản của gia đình và chia sẻ vẻ đẹp của ngôi nhà cùng độc giả của Tản Mạn Kiến Trúc.

Bài viết: Hiếu Y, Vương An Nguyên

Hình ảnh: Ninh

Bài viết liên quan

Ngôi nhà là một minh chứng cho giai đoạn giao lưu Pháp Việt ở đầu thế kỷ 20, khi những ảnh hưởng từ Pháp song hành cùng truyền thống trang trí của Việt Nam trong cùng một không gian.

Vĩnh Long là một đô thị có lịch sử lâu dài ở vùng trung tâm đồng bằng. Tại đây nhiều cộng đồng cư dân với nhiều lớp văn hoá đã cùng sinh sống và tương tác suốt các giai đoạn lịch sử của vùng đất.