Những địa điểm di sản nằm ngoài dòng chảy thời gian tại Sa Đéc

Một cụ ông đạp xe ngang qua Kiến An Cung, nơi người dân địa phương thường gọi là Chùa Ông Quách...

20Aug2022

Phố chợ Sa Đéc lưu giữ những dấu mốc gợi nên dòng chảy lịch sử đa dạng mà đô thị này từng trải qua. Tản Mạn Kiến Trúc mời bạn cùng dạo bước qua những di sản kiến trúc tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để thong thả cảm nhận thời gian trôi qua tại một đô thị lâu đời của xứ đồng bằng.

Dấu mốc người Hoa - Kiến An Cung

Sự hiện diện của cộng đồng người Hoa được đánh dấu bằng một hội quán rực rỡ, khéo phản chiếu ánh nắng chói chang của xứ nhiệt đới. Hội quán phủ sắc đỏ đặc trưng của phong cách hội quán Phúc Kiến. Những đầu mái vút cong được điểm xuyết bằng mảnh khảm sành sứ nhiều sắc màu kể những truyện tích của người Hoa miền Nam Trung Quốc. Kiến An Cung vừa là miếu thờ, vừa là hội quán nơi lưu giữ những quyết định quan trọng trong đời sống cộng đồng. Từ trung điểm này chúng ta bắt đầu tỏa ra khắp các phố xá quanh co để khám phá những dấu mốc khác của Sa Đéc.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê - dấu mốc một người tình

Mặt tiền ngôi nhà Huỳnh Thủy Lê (tỉnh Đồng Tháp) thể hiện sự kết hợp của nhiều phong cách trang trí thịnh hành vào đầu thế kỷ 20. Những họa tiết gốm nhiều màu sắc đến từ truyền thống trang trí Phúc Kiến (phía Nam Trung Hoa), phần nóc ngôi nhà cũng uốn cong theo mẫu của các hội quán Phúc Kiến. Những họa tiết truyền thống xuất hiện bên cạnh chi tiết đến từ phương Tây: trán tường kiểu swan-neck vươn lên như một đôi cánh tạo ra điểm nhấn cho ngôi nhà, cùng những trang trí cresting và bình (urn) tạo ra một bề mặt dày đặc chi tiết. Sự kết hợp các họa tiết Đông-Tây đến mức độ bão hòa như ở ngôi nhà này tiêu biểu cho xu hướng trang trí kiến trúc dân gian trong những thập niên đầu thế kỷ 20, cho đến khi được thay thế dần bằng những phong cách trang trí tinh giản hơn như Art Deco ở các thập niên 1930-40.

Ngôi nhà trở thành một điểm tham quan nổi tiếng nhờ sự thành công của tiểu thuyết Người Tình (L’Amant) của nhà văn Marguerite Duras và bộ phim chuyển thể cùng tên vào năm 1992.

Phố chợ giữa ồn ào và tĩnh lặng

Ở phương Nam, sông bé nối vào sông lớn, lại thêm chằng chịt những kênh đào tạo thành mạng lưới thủy lưu đan cài trên bề mặt địa hình. Sông nước vừa mang phù sa bồi cho đồng ruộng, vừa đưa ghe thuyền tỏa ra khắp hướng. Tại những điểm hợp lưu luôn mọc lên phố chợ rồi từ đó cơ ngơi ra đời, và thành phố lớn lên từ những điểm hợp cư như thế. Bước chân dọc theo những phố xá ven bờ sông, chúng ta có thể lần lượt bóc tách kiểu dáng các tư dinh để tính tuổi đời của phố thị: những ngôi nhà rường gỗ cuối thế kỷ 19, những biệt thự kiểu Pháp ba thập niên đầu thế kỷ 20, đường nét bo tròn khỏe khoắn của Art Deco 1930 đến những ngôi lầu hiện đại (modernism) trước 1975. Bằng cách bảo lưu những đại diện theo dòng thời gian, đô thị lưu giữ lại vẻ phong phú quá khứ để truyền lại cho thế hệ tiếp sau.

Nhà cổ Trần Hữu Nhơn hiện ra giữa dãy phố chợ ven sông.

Bước qua không gian nhộp nhịp của phố chợ, người khách chuẩn bị băng qua một hành lang để bước vào không gian tĩnh lặng của đời sống gia đình.

Một chiếc ghế bằng gỗ uốn cong theo kiểu Thonet được lưu giữ từ đầu thế kỷ 20, bên trên treo chân dung của một vị tổ tiên nhiều đời trước.

Đình Vĩnh Phước - trung điểm của cộng đồng

Công trình đình Vĩnh Phước có một cấu trúc mái phức tạp được chồng nhiều tầng, ở các khoảng chuyển tiếp được trang trí bằng tranh vẽ trên tường, phù điêu đắp bằng vữa và khảm sành sứ nhiều màu sắc. Ngôi đình ghi dấu những dấu mốc quan trọng trong lịch sử cư lưu của cộng đồng.

Phông chữ bên bảng hiệu xưa  - dấu mốc cũ và mới

Cửa hiệu là một phần quan trọng trong đời sống đô thị. Nơi đó người ta buôn bán, gặp gỡ, buôn chuyện và giữ cho truyện kể lan truyền. Cửa hiệu bản thân nó cũng là những cột mốc văn hóa ghi dấu cho những những thay đổi xã hội. Trên một ngôi nhà, bảng hiệu “Nhựt Tân” (ngày mới) một thuở đầy vẻ hiện đại giờ trở nên hoài niệm do thời gian phủ lấp. 

Bài viết: Hiếu Y & Vương An Nguyên

Hình ảnh: Ninh & Nick

Lời ngỏ

Tản Mạn Kiến Trúc là một dự án nghiên cứu độc lập với mục tiêu giới thiệu vẻ đẹp của di sản kiến trúc đến cộng đồng. Hành trình của Tản Mạn Kiến Trúc sẽ thuận lợi hơn khi nhận được sự đóng góp từ quý vị bạn đọc.

>>> ĐÓNG GÓP

Bài viết liên quan

Ngôi nhà cổ họ Mai với kiến trúc nhà rường truyền thống Việt, tuy vẻ ngoài khiêm nhường song lại ẩn tàng bề dày lịch sử tận thuở đầu tiên khi di dân đến xây dựng nên vùng đất phương Nam...

Nằm ở giao điểm của những dòng sông lớn, Chợ Mới là điểm hội tụ của các dòng lưu thông quan trọng, đồng nghĩa với việc vùng đất này liên tục đón nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa trong suốt lịch sử của nó...

Quay lại trang chính