Tranh tường trong nhà dân dụng miền Nam thời Pháp, một lịch sử bằng hình ảnh

Nội thất nhà cổ họ Lê tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được trang trí bằng tranh tường, tạo ra một không gian nhiều màu sắc và đầy câu chuyện. Ngôi nhà này hiện không còn người sinh sống thường xuyên.

Những hình ảnh được người xưa lựa chọn để tô vẽ nên những công trình nay trở thành thông điệp giúp ta lần giở những đổi thay đã xảy ra trên xứ Nam Kỳ.

Tranh tường trước khi có ảnh hưởng của Pháp

Những công trình có tranh trên vữa sớm nhất tại miền Nam có thể là các ngôi mộ hợp chất đầu thời Nguyễn. Đây là các khu mộ táng của tầng lớp trung lưu được tạo ra từ hỗn hợp gạch, vữa và phủ sơn khoáng.

Ở các ngôi mộ này, tranh vẽ không đứng độc lập mà phụ trợ cho các loại hình khác, như phù điêu (nê hoạ) và khảm sành. Phẩm màu vẽ trên vữa ướt khiến nhiều chi tiết còn tươi mới sau chừng thời gian dài tiếp xúc với sương gió. Theo quan sát sơ bộ, tranh được tạo ra từ một số kỹ thuật như vẽ bằng nét cọ lên trên phù điêu (các chi tiết nhỏ như vết cỏ, lông chim, gân lá); và khắc chìm trên cốt vữa, phủ vữa trắng rồi tô màu theo mảng. Sắc tố thời kỳ này được chế tạo từ khoáng, bảng màu thường được bắt gặp là tập hợp năm màu đỏ - vàng - lục - lam - trắng - và nhấn nét bằng viền màu màu đen.

Phần vôi đã bị bong tróc hé lộ kỹ thuật vẽ. Nét được khắt chìm xuống cốt vữa, trét vôi sau khi vữa khô và bổ sung sắc tố lên trên cùng. Mô típ rồng hóa dây được khắc chìm trên vữa sau đó được tô màu xanh - trắng trên nền đỏ. Ảnh chụp tại khu mộ ở Chợ Gạo, năm 2020.

 Trong ảnh trên, quá trình phong hóa đã làm lộ ra các vật liệu vụn trộn chung với hợp chất như sỏi, san hô, mảnh gạch, mảnh than. Ảnh chụp tại khu mộ ở Chợ Gạo, năm 2020.

Mộ hợp chất hay mộ tam hợp chỉ loại mộ xây bằng hợp chất (hồ ô dước) có từ thời Lê tới thời Nguyễn, tập trung dày đặc ở Nam Bộ (chiếm 61,9% tổng số mộ hợp chất trên cả nước, theo TS. Phạm Đức Mạnh, trong tác phẩm Mộ cổ Nam Bộ, 2020). Các thành phần chính gồm vôi sống (vỏ sò, san hồ giã nhuyễn, không nung), trộn với mật mía và nhựa cây bời lời. Gạch và đá được sử dụng để tạo cốt, trong khi các chi tiết được gia cố bằng sỏi và mảnh gạch nhỏ. Ngôi mộ cuối cùng được phủ vôi với màu sắc sặc sỡ. Những hình vẽ này hầu hết đã bị phai mờ. Tại một số ngôi mộ, các chi tiết tranh vẽ còn được bảo lưu cho phép ta hình dung tương đối về trang trí đa sắc trong mộ táng miền Nam ngày xưa.

Bức phù điêu bằng vữa trên một ngôi mộ ở Tiền Giang. Trang trí này từng được bằng nhiều màu sắc (vàng, lục, lam, đỏ, trắng, đen), nay đã bị phai mờ dần.

Một mảng trang trí còn rõ màu sắc trên cụm mộ ở Tiền Giang. Phần hoa sen được sơn đỏ, phần đế được trang trí bằng cách kẻ nét lên vữa còn ướt và vẽ màu theo các nét được vạch sẵn.

Trang trí không gian sống bằng tranh tường theo ảnh hưởng của Pháp

Trong những ngôi nhà truyền thống trước khoảng đầu thế kỷ 20, chúng tôi chưa quan sát thấy tranh tường mà chủ yếu trang trí bằng điêu khắc gỗ, khảm ốc và tranh trên giấy hoặc kiếng, thỉnh thoảng có tranh màu trên gỗ.

Trong giai đoạn những năm 1910-30, ảnh hưởng phương Tây dần lan rộng sang các thức nhà dân gian. Các khoảng trống trên tường thường được trang trí bằng tranh tường đa sắc. Tranh được vẽ bằng sắc tố trộn với chất kết dính trên tường khô. Chủ đề của tranh thường là họa tiết thực vật và động vật, với tạo hình được tham khảo từ phong cách trang trí Art Nouveau. Các tranh này được bố trí theo các đường diềm dọc theo tường nhà và trần nhà. Một chủ đề được ưa chuộng khác là tranh phong cảnh, thường được vẽ trên tường tại vị trí sau các bàn thờ tổ tiên.

Hình ảnh được minh họa ở đây là ngôi nhà của ông Huyện Chiếu ở Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Tranh tường kết hợp với gạch men và gạch bông khiến cho nội thất trở nên đa sắc và giàu chi tiết. Khuynh hướng trang trí nhiều màu sắc thế này nhanh chóng trở nên phổ biến khắp miền Nam.

Nhóm tranh phổ biến nhất là hoạ tiết hoa lá theo diềm tường và trần nhà, ít nhiều cho thấy sự tham khảo từ phong cách Art Nouveau, biểu hiện qua việc sử dụng đường cong, đường viền mảnh và bảng màu pastel. Nhóm họa tiết thực vật thường được tìm thấy trong các ngôi nhà trong những năm 1910-1930, sau đó dần thay bằng họa tiết hình học với ảnh hưởng từ phong cách Art Deco, cho thấy sự thay đổi thị hiếu theo thời gian.

Hoa lá trang trí phần lớn là các loài thực vật phương Tây, tuy vậy không phải lúc nào cũng chính xác mà có sự pha trộn lá loài này với hoa quả loài khác. Các trường đào tạo mỹ thuật như Trường Vẽ Gia Định thành lập hợp tác xã và thực hiện tranh tường trang trí theo hợp đồng (theo tác giả Phạm Công Luận). Bởi tính chất công việc thuộc về tập thể, hầu như các thợ vẽ không để lại dấu hiệu cá nhân nào trên các tác phẩm.

Tranh tường thể hiện các loại thực vật ôn đới vốn xa lạ với người Việt Nam vào thời điểm ấy.

Tranh tường trên các ngôi mộ thời Pháp, những bức tranh kể về hiện hữu của đời người

Một trường hợp mà chúng tôi tiếp cận được là một ngôi nhà tại Tây Ninh của ông Nguyễn Văn Đẹp (1884-1972), người làm thông ngôn ở Trảng Bàng - Tây Ninh nên còn được người dân thời đó gọi là ông Thông Đẹp.

Bức tranh trên tường bên trong một ngôi nhà ở tỉnh Tây Ninh. Khi xây dựng ngôi nhà này, người chủ đã dự định biến nó thành ngôi mộ của mình sau khi mất nhưng không được toại nguyện. Bức tranh tường được thực hiện bằng một kỹ thuật thô sơ của người tự học, phô bày ra một thế giới mộng tưởng của chủ nhân lẫn người tạo tác.

Ngôi nhà của ông được trang trí bằng các bức tranh tường mô tả phong cảnh, phong cảnh tuy toát lên nỗ lực mô phỏng tự nhiên (với sự tiếp xúc với mỹ thuật của phương Tây) nhưng sắp đặt lại thể hiện một cảnh trí của trí tưởng tượng, những hình ảnh được chọn lọc như thể cố gắng kể về những cột mốc có tính đại diện cho cuộc đời người chủ. Trung tâm của bức tranh là tượng đài khổng lồ của nhà bảo trợ trong trang phục truyền thống. Tác phẩm dường như được tạo ra để phác hoạ thế giới trong mơ của ông. Những bức tranh thế này không chỉ là sản phẩm trang trí mà còn có thể hé lộ những mảnh lịch sử nhỏ về kinh tế, xã hội miền Nam.

Người đàn ông đã trở thành người hùng trong giấc mơ của chính ông. Ông trở thành một tưởng đài khổng lồ, xung quanh bày ra những cảnh quan hẳn là gắn với từng dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của ông.

Những người thợ vẽ thường khuyết danh. Họ hoạt động theo nhóm nghề nghiệp và các tác phẩm hầu hết là công trình tập thể. Trong một gian phòng, đôi khi chúng ta cũng có thể thấy nhiều phong cách và chất lượng khác nhau, cho thấy có nhiều thợ cùng thực hiện dự án cùng lúc, mỗi người chia nhau một khu vực trong phòng để trang trí. Chúng tôi hy vọng những nỗ lực khảo sát văn bản tỉ mỉ hơn trong tương lai có thể hé lộ thêm nhiều hiểu biết về các cộng đồng thợ vẽ miền Nam đầu thế kỷ 20.

Trong một trường hợp ngôi mộ ông Huỳnh Kỳ ở Trà Vinh, chúng tôi bắt gặp được tên của người thợ vẽ, là Thợ Vẽ Ba Phú ở Cần Thơ. Đây là một trường hợp hiếm gặp (tuy không phải là duy nhất) mà thông tin của người thực hiện còn được lưu lại.

Đến từ một vùng đất giao thoa nhiều truyền thống, ông Ba Phú và đội ngũ đã đưa ảnh hưởng Việt-Hoa, Khmer và Pháp lên cùng một công trình.

Trên các mảng tường bên ngoài, các thợ vẽ chia thành các mảng ngang, ở trên cùng họ vẽ các bức tranh tĩnh vật, hoa điểu theo kiểu trang trí triều Nguyễn, bên dưới lại có các họa tiết đường diềm kiểu tương Tây. Tường trong mộ là các cảnh điển tích tham khảo từ truyền thống vẽ tranh trên tường chùa Khmer.

Những mảng tường còn lại dành cho hoạ tiết cách điệu, với ngôn ngữ chính là Art Nouveau. Một số bức hoạ trắng đen mô tả cảnh đền tháp Angkor, triển khai theo phối cảnh ba chiều, trong đó một bức miêu tả đoàn tham quan trong Âu phục trắng. Tranh truyền thần chủ nhân ngôi mộ không may đã bị tẩy xoá, nhưng vẫn phảng phất nét bút tỉ mỉ thiên về tả chi tiết.

Ngôi mộ hướng về một thị hiếu tối đa, giàu chi tiết, hứng khởi gợi nhắc toàn bộ những thân thuộc mà người chủ đã hấp thụ trong cuộc đời họ. Chúng ta có thể đọc từ công trình này một tính cách hào sảng, nhiệt tình và ưa kể chuyện của một thế hệ thương nhân thành công ở miền Tây đầu thế kỷ 20. Qua những công trình mộ táng, họ hào hứng kể lại những câu chuyện về sự thành công và ước mong trong đời sống của họ, bằng tham khảo hầu hết những phong cách và kỹ thuật mà họ thấy hứng thú trong bối cảnh văn hóa đa hợp đặc thù của Việt Nam thế kỷ 20.

Trên vòm mộ đang sụp đổ dần, một số chi tiết về người vẽ (Thợ Ba Phú từ Cần Thơ) và thời gian xây dựng (1947) vẫn còn hiện rõ.

Những ngôi nhà ở thường chỉ được trang trí bằng tranh bên trong nội thất. Ở ngôi mộ này, tranh vẽ tràn cả ra bên ngoài và che phủ mọi diện tích tường.

Hình ảnh không chỉ là trang trí, chúng còn có thể là những câu chuyện, thị hiếu và thông điệp, theo một cách nào đó, chúng trở thành một nguồn sử liệu về đời sống và ước mong của con người trong thời đại của họ. Nhìn vào một tiểu tiết của lát cắt lịch sử đó, chúng ta có thể thấy các đoàn thợ vẽ toả ra khắp hướng trang trí cho những nếp nhà của các phú hộ đang giàu lên trong bối cảnh kinh tế, xã hội đặc thù của miền Nam đầu thế kỷ 20.


Bài viết: Hiếu Y

Hình ảnh: Ninh, Nick

Bài viết liên quan

Ngôi nhà cổ họ Mai với kiến trúc nhà rường truyền thống Việt, tuy vẻ ngoài khiêm nhường song lại ẩn tàng bề dày lịch sử tận thuở đầu tiên khi di dân đến xây dựng nên vùng đất phương Nam...

Nằm ở giao điểm của những dòng sông lớn, Chợ Mới là điểm hội tụ của các dòng lưu thông quan trọng, đồng nghĩa với việc vùng đất này liên tục đón nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa trong suốt lịch sử của nó...