Một phiên bản Chợ Bến Thành không trở thành hiện thực

Minh họa Chợ Bến Thành do Tản Mạn Kiến Trúc thực hiện dựa trên đồ án của KTS Huỳnh Kim Mãng. Minh họa này mang tính tương đối dựa trên những tiếp cận tư liệu ban đầu, sẽ được phát triển thêm khi có những nguồn tài liệu tốt hơn.


4Mar2023

Năm 1970, đứng trước viễn cảnh thương mại phát triển nhanh chóng, chính quyền thành phố từng mở một cuộc thi thiết kế Chợ Bến Thành mới, thay cho cấu trúc có từ thời Pháp. Trong các phương án gửi về, giải pháp của KTS Huỳnh Kim Mảng được đánh giá cao và được trao giải nhất. Tuy thế, dự án xây dựng lại chợ trung tâm đã không được theo đuổi đến cùng và ngôi chợ vẫn giữ nguyên hiện trạng cho đến hôm nay.

Thiết kế của KTS Huỳnh Kim Mảng cho thấy kiến trúc hiện đại được ưa chuộng và trở thành ngôn ngữ phổ biến trong thiết kế đô thị của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Vì sao Việt Nam từ một quốc gia phương Đông, vừa trải qua giai đoạn thuộc địa với các ảnh hưởng chưa dứt, lại lựa chọn tôn vinh kiến trúc hiện đại đến mức độ rộng khắp như vậy?

Chợ Bến Thành theo đồ án của KTS Huỳnh Kim Mãng, do Tản Mạn Kiến Trúc minh họa.


Đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi này, KTS Mel Schenck đã viết: “Độc lập không chỉ là một từ ngữ đơn thuần đối với người Việt Nam. Nó còn hơn cả một sự thật. Đối với họ đó là một loại cảm giác - cảm giác về sự tự do cũng như niềm tự hào dân tộc. Và kiến trúc hiện đại chính là lời tuyên bố của người Việt Nam về sự tự do đó.” (Mel Schenck 2022. Kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam. Phương Nam Books. NXB Thế Giới)

Với KTS Schenck, thông qua kiến trúc hiện đại, các kiến trúc sư nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đã phản ứng với quá khứ thuộc địa và bước vào thời kỳ hiện đại bằng một tâm thế chủ động, hướng về tính quốc tế đồng thời củng cố cảm thức nơi chốn đặc trưng riêng của Việt Nam, mặc cho những bối rối của hoàn cảnh chiến tranh thời điểm bấy giờ.

Bức ảnh chụp vào thập niên 1960. Đây là công trình được hoàn thành năm 1914 và vẫn còn giữ nguyên đến ngày nay. Nguồn ảnh: Mạnh Hải, không rõ người chụp ảnh. Đọc thêm bài viết về lịch sử xây dựng Chợ Bến Thành tại đây.

Chợ Bến Thành theo đồ án của KTS Huỳnh Kim Mãng, do Tản Mạn Kiến Trúc minh họa.

Chợ Bến Thành theo đồ án của KTS Huỳnh Kim Mãng, do Tản Mạn Kiến Trúc minh họa.

Nội dung: Hiếu Y

Minh họa: Leo & Tiến

Bài viết liên quan

Khởi đi từ những thảo luận đầu tiên vào năm 1868 về một khu chợ mới, mãi đến năm 1914 chợ Bến Thành mới được hoàn thiện. Sự ra đời của Chợ Bến Thành tựa như một giấc mơ trở thành sự thật, giấc mơ của gần năm thập kỷ tranh luận và kiếm tìm giải pháp xây dựng thành phố.

Thông qua khảo sát ý nghĩa các biểu tượng trên các công trình thuộc địa, chúng ta có thể tiếp cận đến thông điệp của các nhà chức trách trong việc phô diễn một số giá trị nước Pháp đến với người dân thuộc địa. Các biểu tượng trong hệ thống trang trí thuộc địa tại Sài Gòn thường xoay quanh những thông điệp chung: khoa học, tiến bộ và văn minh.