Chung cư Cao Thắng do KTS Paul Veysseyre thiết kế

7Apr2023

Tòa chung cư trên đường Édouard Audouit (nay là đường Cao Thắng) nằm trong loạt công trình nhà ở mà KTS Paul Veysseyre thực hiện cho "Haut Commissariat de France" trong các năm 1942 đến năm 1948. Ngoài toà chung cư trên đường Cao Thắng, ngày nay còn có thể tìm thấy một công trình khác trong loạt này tại số 40 đường Bà Huyện Thanh Quan (nay là toà Lãnh sự quán Liên bang Nga tại TpHCM). Một công trình nổi tiếng khác do ông thiết kế là Dinh III tại Thành phố Đà Lạt.

Chung cư đường Édouard Audouit (Cao Thắng ngày nay) được xây tại vị trí ngoại ô của thành phố, nơi mật độ nhà cửa thời bấy giờ vẫn còn thấp. Chung cư có một quỹ đất tương đối lớn, có khoản sân rộng để tạo độ lùi cho công trình. Mặt tiền của nó được nhấn mạnh bởi hai khối góc cạnh (sword point) kéo dài suốt chiều cao của ngôi nhà, bên trong chứa hai lõi cầu thang làm thành trục giao thông đứng. Trên các cửa sổ có các ô văng (auvent - những tấm chìa) vừa có tác dụng cách nhiệt, vừa tạo ra nhịp điệu kết nối các chi tiết theo phương ngang.

Bề mặt công trình này, giống như nhiều toà nhà khác do Paul Veysseyre thiết kế, được phủ bằng đá (sỏi) rửa màu nâu, có hai tông đậm nhạt khác nhau để tôn lên hình khối của ngôi nhà. Giai đoạn cuối thập niên 1930, đầu 1940 đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của đá rửa trên mặt đứng kiến trúc ở Việt Nam. Thế hệ bề mặt này thường dùng sỏi tròn, kích thước lớn hơn các viên đá nghiền nhỏ vốn phổ biến trong kiến trúc Modernist các thập niên 1960 về sau.

Phối hợp cùng Vẫn đang suy nghĩ space - một không gian sáng tạo nghệ thuật và cộng đồng, Tản Mạn Kiến Trúc tổ chức các chương trình tìm hiểu văn hóa, kiến trúc, trong đó có chương trình Đi cùng nhau___Sáng Khmer.

* Lưu ý: Chung cư là không gian gần trăm tuổi của thành phố, nơi cư dân quen với nhịp sống chậm rãi, thảnh thơi. Đến thăm chung cư, chúng ta lưu ý di chuyển nhẹ nhàng để tránh làm xáo động nếp sống vốn có của cư dân tại đây, mọi người nha!

Nội dung: Hiếu Y

Ảnh: Nick, Duy Khang

Bài viết liên quan

Khởi đi từ những thảo luận đầu tiên vào năm 1868 về một khu chợ mới, mãi đến năm 1914 chợ Bến Thành mới được hoàn thiện. Sự ra đời của Chợ Bến Thành tựa như một giấc mơ trở thành sự thật, giấc mơ của gần năm thập kỷ tranh luận và kiếm tìm giải pháp xây dựng thành phố.

Thông qua khảo sát ý nghĩa các biểu tượng trên các công trình thuộc địa, chúng ta có thể tiếp cận đến thông điệp của các nhà chức trách trong việc phô diễn một số giá trị nước Pháp đến với người dân thuộc địa. Các biểu tượng trong hệ thống trang trí thuộc địa tại Sài Gòn thường xoay quanh những thông điệp chung: khoa học, tiến bộ và văn minh.