Ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại đến nhà ở nông thôn miền Nam

Bản vẽ được thực hiện theo một ngôi nhà ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

25May2022

Trong các thập niên 1950-1970, các công trình kiến trúc ở miền Nam bắt đầu được chuyển đổi thành những công trình hiện đại và loại trừ dần những ảnh hưởng Pháp-Việt-Hoa trước đó. Chủ nghĩa hiện đại - modernism không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến diện mạo kiến trúc của các đô thị lớn, mà còn lan tỏa đến tận các vùng nông thôn. Nhà cửa nông thôn có sự thể nghiệm với các hình khối mới mẻ, năng động của xu hướng hiện đại, song vẫn giữ lại những yếu tố truyền thống, đặc biệt là bố cục không gian vì đó là những nếp nhà đã hình thành qua thời gian dài và ăn sâu vào nếp sinh hoạt nông thôn.

Để tìm hiểu sự ảnh hưởng của modernism đến kiến trúc nông thôn, chúng ta cùng ghé thăm một ngôi nhà điển hình ở vùng làng quê Vĩnh Long.

Ảnh chụp từ trên cao cho thấy mô hình làng xóm trải theo sự lan tỏa của sông và kênh đào, phía sau khu vực cư trú là các đồng lúa rộng lớn. Ảnh chụp tại tỉnh Vĩnh Long.

Sông ngòi đan cài thành một mạng lưới thủy lưu chằng chịt. Tuy giao thông đường bộ đang dần chiếm ưu thế, một số nơi người ta vẫn tiếp tục di chuyển bằng ghe xuồng.  Ảnh chụp tại tỉnh Bến Tre.

Cùng đến miền nông thôn Tây Nam Bộ. Tại đây, không gian cư trú của con người gắn liền với sông nước. Bên một dòng kênh đào, nhà cửa trải thành một vết dân cư dài và mỏng. Rất khác với mô hình làng Bắc Bộ, làng xóm ở miền Nam là những nhánh tỏa dài tự do theo các dòng nước. Vườn cây ăn quả bao bọc lấy mái nhà, phía sau là những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Những vết chấm lốm đốm trên ruộng lúa là phần mộ của tổ tiên.

Nhìn từ trên cao, có thể quan sát được trục cư trú điển hình của vùng Tây Nam Bộ: dòng sông - cầu bến - con đường - sân và nhà - vườn cây ăn quả. Ngôi nhà này thể hiện sự tương tác với các thị hiếu hiện đại diễn ra trong thời kỳ đầu thập niên 1970, song vẫn giữ lại những yếu tố truyền thống cốt lõi.

Những ngôi nhà nông thôn trong thời kỳ này thường được tổ chức theo mặt bằng hình chữ L - một mô thức tổ chức không gian sống phổ biến của vùng đồng bằng. Tại đây, gian bếp kéo dài vượt quá chiều dài của gian nhà chính, thành nên bố cục chữ L. Ở phần doi ra này, người ta trổ cửa phụ và bởi phần lớn sinh hoạt gia đình diễn ra tại gian nhà sau (đồng thời là phòng ăn, nhà bếp, nơi kê giường ngủ và nơi trò chuyện của các thành viên), cửa phụ doi ra cho phép người nhà có thể quan sát những gì diễn ra bên ngoài mà không cần mở cửa chính tại gian phòng thờ, nơi thường hay đóng kín và chỉ mở ra cho những dịp quan trọng.

Mặt bằng ngôi nhà hình chữ L: phẩn nửa trước là nhà trên hướng về bờ sông, nửa sau kéo dài và có lối đi dẫn ra sân trước.

Mặt tiền của những ngôi nhà nông thôn cho thấy ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại - một vẻ đẹp năng động đang được yêu thích rộng khắp. Lúc này, sơn không còn là vật liệu phủ phổ biến nữa, mà công trình được phủ bằng đá rửa, mang lại một bề mặt thô nhám và hiện đại. Mảng tưởng được cắt xẻ thành những ô hình học gọn gàng. Tại vị trí các đường biên, người ta còn thêm vào các mảnh thủy tinh để tạo hiệu ứng lấp lánh.

Trong khi các công trình modernist tại các đô thị thường thể nghiệm hình khối mới mẻ và bất đối xứng một cách táo bạo, thì những yếu tố nông thôn vẫn nương theo những gì truyền thống bày sẵn. Mặt tiền thô nhám và năng động ấy được bổ làm ba, ứng với cấu trúc của một ngôi nhà ba gian truyền thống. Tính hiện đại không tách rời khỏi những dư âm của truyền thống mà người chủ gắn bó suốt cuộc đời. Chúng ta sẽ gặp lại vẻ đẹp của truyền thống khi bước vào nội thất.

Ngôi nhà ba gian được khoát một lớp vỏ hiện đại bên ngoài.

Bên trong ngôi nhà là không gian thuộc về tín ngưỡng truyền thống.

Đôi cửa mở ra, hé lộ một không gian tinh thần, nơi nối liền ký ức của những thế hệ cùng sinh sống dưới một mái nhà. Đây là gian thờ của một gia đình tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo - một tôn giáo nội sinh ở miền Nam Việt Nam. Ở phần cận cảnh là bàn thờ Đức Huỳnh Giáo Chủ - người sáng lập tôn giáo. Theo giáo huấn của Ngài, tín đồ không bày biện ảnh tượng thần phật, trời đất mà chỉ thờ một tấm vải đỏ nâu (trần dà) mang ý nghĩa tượng trưng ở tran thờ trung tâm. Hai bên là bàn thờ dành cho ông bà tổ tiên nhiều thế hệ.

Ngôi nhà rường truyền thống được kết hợp cùng một mặt tiền Modernist: họa tiết trang trí đã biến mất để nhường chỗ cho sự tối giản của đường nét, bề mặt được phủ bằng đá rửa thô nhám, phần trang trí trên mái cũng đã trở nên tối giản thành một khối chữ nhật ở giữa bờ nóc. Minh họa được thực hiện dựa theo một phủ thờ ở Vĩnh Long.

Một ngôi nhà sàn của người Chăm tại An Giang. Ngôi nhà trong ảnh thể hiện những đặc trưng của ngôi nhà sàn Chăm truyền thống, với đầu hồi (phần tam giác tạo bởi hai mái) hướng về phía mặt tiền (tương phản với nhà người Việt, đầu hồi hướng về mặt hông). Chất liệu bê tông cốt thép được sử dụng làm kết cấu. Bề mặt được phủ đá mài và bổ thành những ô hình học tạo ra một diện mạo mới mẻ, năng động. Hình ảnh do Lộn Xộn Studio chia sẻ.

Nửa thế kỷ trôi qua, ngôi nhà mới ngày nào là hiện đại thì giờ đây đã trở thành "nhà củ ông bà", ngôi nhà của ký ức nơi nhiều thế hệ đã sinh ra và lớn lên. Trong dòng chảy kiến trúc, từng thế hệ lần lượt bồi đắp trầm tích làm thành một bề dày xuyên suốt, mà ta gọi là di sản...

Bài viết: Hiếu Y

Hình ảnh: Ninh. Minh họa: Tumiigg, Leo

Bài viết liên quan

Ngôi nhà cổ họ Mai với kiến trúc nhà rường truyền thống Việt, tuy vẻ ngoài khiêm nhường song lại ẩn tàng bề dày lịch sử tận thuở đầu tiên khi di dân đến xây dựng nên vùng đất phương Nam...

Nằm ở giao điểm của những dòng sông lớn, Chợ Mới là điểm hội tụ của các dòng lưu thông quan trọng, đồng nghĩa với việc vùng đất này liên tục đón nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa trong suốt lịch sử của nó...