Nghĩa từ ở Chợ Lớn

Bên trong nghĩa từ của nhóm Phước Kiến (Phúc Kiến) ở bệnh viện Nguyễn Trãi.

Bên cạnh các công trình cộng đồng quan trọng hàng đầu như miếu và hội quán, cư dân người Hoa cũng xây dựng các hạng mục dành tưởng niệm người đã khuất, đó là nghĩa trang và nghĩa từ. Nghĩa trang là khu vực chôn cất người mất, nghĩa từ là nơi đặt bài vị và thờ phụng.

Trang trí trên mái nghĩa từ của nhóm Triều Châu ở bệnh viện An Bình.

Qua một thời gian định cư lập nghiệp ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, các nhóm cư dân người Hoa bắt đầu mở rộng hoạt động xây dựng cơ sở vật chất để phục vụ cho nhu cầu lâu dài của cộng đồng. Bên cạnh các công trình cộng đồng quan trọng hàng đầu như miếu và hội quán, cư dân người Hoa cũng xây dựng các hạng mục dành tưởng niệm người đã khuất, đó là nghĩa trang và nghĩa từ. Nghĩa trang là khu vực chôn cất người mất, nghĩa từ là nơi đặt bài vị và thờ phụng.

Người Hoa tại Việt Nam (cũng như các nước Đông Nam Á khác) được tổ chức quản lý theo các cộng đồng cùng quê quán. Mỗi nhóm có nghĩa trang và nghĩa từ riêng, là nơi những người đồng hương quá cố được an táng và thờ phụng cùng nhau.

Nghĩa từ (義祠) là một thể loại công trình dành cho thờ tự. Gian nhà chính thường đặt án thờ với linh bài (bài vị) người đã khuất, bàn thờ, bàn lễ vật để dâng hương cúng bái trong các dịp giỗ hoặc lễ rằm, ngày mùng 2 và 16 hàng tháng cũng như trong các dịp lễ lớn để cầu siêu cho người đã khuất. Đây còn là nơi quàn linh cữu, làm tang lễ trước khi hạ táng.

Thông thường nghĩa từ được lập ra để làm nơi thờ tự cho một dòng họ, hoặc một cộng đồng có quan hệ mật thiết. Đối với cộng đồng người Hoa buổi đầu - vốn là những người tha phương lập nghiệp, những công trình này là những địa điểm quan trọng. Thông qua kiến trúc và những nghi lễ gắn liền với nó, mối liên kết dòng họ và nguyên quán được liên tục nhắc nhở, duy trì sự kết nối, đoàn kết, tương hỗ và đảm bảo tính liên tục của truyền thống.

Những nghĩa từ còn sót lại cho ta hình dung về bố cục của cụm công trình ban đầu, gồm tiền điện và chánh điện, hai dãy đông lang và tây lang, các hành lang có mái che nhỏ kết nối quần thể kiến trúc lại với nhau.

Tiền điện có ba gian, cửa chính có tranh vẽ Môn Thần (sơn màu trên gỗ), vì kèo chồng rường được sơn thếp vàng. Sau tiền điện là chánh điện, được tổ chức theo cấu trúc ba gian, với ba gian thờ chứa bài vị cùng các bàn lễ. Giữa tiền điện và chánh điện là sân thiên tĩnh - một khoảng trống để lấy sáng và thông khí cho cụm công trình, đồng thời tạo ra nhịp nghỉ cho tổng thể.

Hai ngôi nhà chính được kết nối với nhau bằng hai hành lang có mái che đặt hai bên sân thiên tĩnh. Từ hai hành lang này trổ lối đi vào hai dãy Đông lang và Tây lang bên hông; đặc biệt ở Nghĩa Từ của nhóm người Triều Châu còn có gian thờ bài vị ở hai bên Đông lang, Tây lang, tăng thêm diện tích dành cho thờ tự.

Thời gian đầu, nghĩa từ chỉ được sử dụng đúng chức năng thờ tự. Về sau, nghĩa từ còn được dùng làm bệnh viện dã chiến để chữa trị miễn phí cho người trong bang hội có hoàn cảnh khó khăn. Các nghĩa trang và nghĩa từ ban đầu nằm cạnh khu vực dân cư ở Chợ Lớn. Về sau, cùng với quá trình tăng dân cư, các nghĩa trang dần được di dời ra ngoại ô, chỉ còn giữ lại các miếu thờ (nghĩa từ).

Các ngôi nghĩa từ còn lại được tiếp tục duy trì cho chức năng thờ cúng, còn phần khuôn viên nghĩa trang xưa đã trở thành bệnh viện của bang hội, mỗi nhóm người Hoa có bệnh viện của riêng cộng đồng mình. Sau 1975, phần chức năng bệnh viện được chú trọng hơn và các nghĩa từ ít nhiều bị thu hẹp và biến đổi.

Hiện còn những ngôi nghĩa từ nào ở khu vực Chợ Lớn?

Hiện chỉ còn lại nhiều nhất là ba cụm công trình, nằm trong khuôn viên của ba bệnh viện lớn lâu đời của thành phố, thuộc về ba cộng đồng Quảng Đông, Phước Kiến và Triều Châu. Ba ngôi nghĩa từ này trải trên trục đường Nguyễn Trãi trên ba ô phố gần nhau. Tại ranh giới nghĩa trang của mỗi nhóm còn có các cột đá khắc ghi địa giới ở bốn góc. Hiện chúng vẫn còn tồn tại xen lẫn các con hẻm và nhà dân trong khu vực này.

Nghĩa từ của nhóm Quảng Đông tại bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Nhóm Quảng Đông

Nghĩa từ của nhóm Quảng Đông ban đầu được gọi là Tuệ Nghĩa Từ (穗義祠), sau khi trở thành bệnh viện từ thiện thì được đổi tên thành Quảng Triệu Thiện Đường (廣肇善堂), sau trở thành am Phật với tên Đại Từ Liên Xã (大慈蓮社). Hiện nay nghĩa từ này nằm trong khuôn viên bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đường Nguyễn Trãi. Cụm công trình ẩn mình sau các tán cây nên ít người nhận ra.

Nghĩa từ của nhóm Phước Kiến trong bệnh viện Nguyễn Trãi.

Nhóm Phước Kiến

Nghĩa Từ của nhóm Phước Kiến có tên gốc là Phước Thiện Nghĩa Từ (福善義祠) và dòng tên khắc chìm vẫn còn thấy rõ trên lanh tô bằng đá ở cửa chánh. Sau khi trở thành bệnh viện thì cổng lớn phía ngoài được thêm bảng đề Hôpital de Fou-kien (Bệnh viện Phước Kiến) và Phước Thiện Y Viện (福善醫院). Sau năm 1975, khu bệnh viện của nghĩa từ đã phát triển thành Bệnh viện Nguyễn Trãi và cơ sở nghĩa từ tách khỏi ban quản lý hội quán, đến 2005 thì được hoàn trả và đại tu để trở lại chức năng cũ, dù các vật dụng bên trong đã không còn được lưu trữ.

Bên trong nghĩa từ của nhóm Phước Kiến (Phúc Kiến) ở bệnh viện Nguyễn Trãi.

Nhà bia nghĩa từ của nhóm Phước Kiến (Phúc Kiến) ở bệnh viện Nguyễn Trãi.

Hình ảnh nhà bia của nghĩa từ được sinh viên Trường vẽ Gia Định ký họa bằng màu nước và được in trong tập ký hoạ về Đông Dương. Bản màu nước này còn được in trên mặt sau tờ bạc 200 đồng Đông Dương phát hành năm 1953-1954 cùng với ảnh Quốc trưởng Bảo Đại.

Nhóm Triều Châu

Nghĩa từ của nhóm Triều Châu, là ngôi nghĩa từ nguyên vẹn nhất cả về kiến trúc và hoạt động tinh thần. Tên gọi gốc Tượng Nghĩa Từ (橡義伺) vẫn còn khắc trên cửa vào, thường được quen gọi là Nghĩa Từ An Bình, nằm trong khu đất của bệnh viện An Bình, Quận 5. Bên trong còn lưu giữ nhiều hiện vật xưa, gồm đồ thờ cúng, hoành phi, liễn đối. Hiện nay bệnh viện An Bình đang được xây dựng lại và hiện cũng có kế hoạch tu sửa nghĩa từ để tiếp tục phục vụ cộng đồng.

Trang trí bên trong nghĩa từ của nhóm Triều Châu ở bệnh viện An Bình.

Trang trí bên trong nghĩa từ của nhóm Triều Châu ở bệnh viện An Bình.

Ngoài những ngôi nghĩa từ cổ xưa nhứt còn lại ở Chợ Lớn, cộng đồng người Hoa các bang còn lập thêm nhiều ngôi nghĩa từ khác ở vùng ven khu Saigon-Cholon. Có thể kể đến ví dụ điển hình là ngôi nghĩa từ ở Phú Nhuận (cạnh công viên Gia Định) của bang Phước Kiến, nghĩa từ ở đường Phan Văn Trị và Phan Huy Ích (Gò Vấp) của bang Triều Châu. Ngày nay, mộ phần thuộc các nhóm người Hoa trong Chợ Lớn đều đã được an táng tại các nghĩa trang mới ở ngoại thành tại các địa phương như Dĩ An, Biên Hoà, Lái Thiêu. Các nghĩa trang và nghĩa từ này vẫn được bang hội quản lý từ xa để duy trì hoạt động thờ cúng.

Bài viết: Nick

Ảnh: TMKT: Nick, Khang | Flickr: manhhai, Delcampe

Bài viết liên quan

Nằm trong kế hoạch định hướng Đà Lạt trở thành trung tâm học thuật của đất nước, năm 1961 Nguyên Tử Lực Cuộc đã thành lập Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt theo lệnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Trong các phương án gửi về trong cuộc thi thiết kế, giải pháp của KTS Huỳnh Kim Mảng được đánh giá cao và được trao giải nhất. Tuy thế, dự án xây dựng lại chợ trung tâm đã không được theo đuổi đến cùng và ngôi chợ vẫn giữ nguyên hiện trạng cho đến hôm nay.