Trung tâm Nguyên Tử Lực ở Đà Lạt

21Jan2023

Nằm trong kế hoạch định hướng Đà Lạt trở thành trung tâm học thuật của đất nước, năm 1961 Nguyên Tử Lực Cuộc đã thành lập Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt theo lệnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Minh họa: Leo - Tản Mạn Kiến Trúc

Nằm trong kế hoạch định hướng Đà Lạt trở thành trung tâm học thuật của đất nước, năm 1961 Nguyên Tử Lực Cuộc đã thành lập Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt theo lệnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Dự án này thuộc khuôn khổ chính sách Nguyên Tử Vì Hòa Bình (Atoms for Peace), chương trình cung cấp thiết bị và thông tin cho các trường học, bệnh viện và các cơ quan nghiên cứu, nhằm ứng dụng vật lý hạt nhân vào mục đích hòa bình như đào tạo giáo dục, điều trị trong y học,... Công trình được chọn lựa xây dựng trên một ngọn đồi rộng 11ha, nằm ở phía đông bắc khu vực hồ Xuân Hương. Dự án này được báo chí đương thời quan tâm và tường thuật ở phạm vi trong nước và quốc tế.

Trung tâm Nguyên Tử Lực trên bản đồ Đà Lạt.

1:12,500, Edition 1-AMS, Series L909, U.S. Army Map Service, 1963. Nguồn: maps.lib.utexas.edu

Đồ án Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt được phát triển từ năm 1958, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng các kiến trúc sư phụ tá Nguyễn Mỹ Lộc, Phạm Quỳnh Lân và Vũ Tòng chịu trách nhiệm thiết kế công trình. Trung tâm công trình được đặt loại lò công nghệ TRIGA Mark II do hãng General Atomics Corporation của Mỹ chế tạo.

Lò phản ứng được đặt tên là DLR-I (Da Lat Reactor-I), đã đạt trạng thái tới hạn vào ngày 26/2/1963 và chính thức đi vào vận hành ngày 3/3/1963 với công suất 250 kW.

Theo đồ án của Kts. Ngô Viết Thụ, lò phản ứng DLR-I (Da Lat Reactor-I), sẽ nằm trong mái vòm bê tông hình tròn có đường kính 20m. Xung quanh mái vòm chứa lò nguyên tử trung tâm là các phòng thí nghiệm vật lý và hoá học. Khoảng trống giữa khung tròn và tòa nhà hình ống chứa lò nguyên tử được sắp đặt như một biểu tượng cho Bát Quái Đồ, trong đó có sự kết hợp giữa lối kiến trúc tối tân của thời đại nguyên tử và các âm hưởng cổ truyền.

Mặt bằng khuôn viên bên trong Trung Tâm Nguyên Tử Lực ngày nay vẫn còn giữ được thiết kế theo mô hình Tiên Thiên Bát Quái Đồ, với quẻ Càn hướng về phương Nam, phù hợp với câu trích từ Kinh Dịch: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ, hướng minh nhi trị”,  tạm dịch: “Bậc thánh nhân quay mặt về phương Nam lắng nghe thiên hạ, hướng về cai trị sáng suốt”. 

Phát biểu của kts. Ngô Viết Thụ trong một cuộc họp báo sau khi xem xét đồ án thiết kế biểu mẫu khô khan do người Mỹ cung cấp, việc điều chỉnh thiết kế đã nói lên ý đồ sáng tạo của nhà kiến trúc: Kết hợp hài hoà giữa công năng công trình kiến trúc với cảnh trí thiên nhiên địa phương.

Lò phản ứng DLR-1 ở Đà Lạt theo công nghệ TRIGA-MARK* II, lò được thiết kế có công suất danh định là 250 kW, sử dụng các thanh nhiên liệu hợp kim hydride uranium-zirconium có độ giàu thấp (LEU) U-235 dưới 20%. Đây là một trong những thiết kế tiên tiến bậc nhất của Mỹ trong những năm thập niên 1960.

*T.R.I.G.A (Training, Research, Isotopes, General Atomics) – Đào tạo, Nghiên cứu, Sản xuất đồng vị, Chuyên ngành về nguyên tử. Nhóm thiết kế TRIGA, bao gồm Edward Teller, dẫn đầu bởi nhà vật lý Freeman Dyson (đều là những cây đại thụ trong ngành vật lý hạt nhân).

Để kỷ niệm sự kiện khánh thành lò nguyên tử, Bưu Chính Việt Nam Cộng Hòa đã cho phát hành bộ tem “Nguyên-tử-lực phụng-sự hòa-bình” vào ngày 03-02-1964. Bộ tem có kích thước 26 x 38 do họa sĩ Nguyễn Minh Hoàng thiết kế. 

Do lo ngại những vấn đề về an ninh hạt nhân, từ sau biến cố Tết Mậu Thân chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã phải dừng vận hành lò vào năm 1968. Đến rạng sáng ngày 31/3/1975, các chuyên gia đã cho rút hết các thanh nhiên liệu hạt nhân đang cháy dở trong lò phản ứng để đưa sang Philippines. Và chỉ ba ngày sau đó thì quân giải phóng vào đến Đà Lạt, lò phản ứng đã không còn lõi và không xảy ra bất kỳ thảm họa hạt nhân đáng tiếc nào.

Da Lat Reactor-I là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên được xây dựng ở Đông Nam Á. Và cho đến tận ngày nay, đây vẫn là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và duy nhất đã được xây dựng ở Đông Dương.

Minh họa của Leo - Tản Mạn Kiến Trúc

Sau năm 1979, lò phản ứng DLR-1 đã được Liên Xô giúp đỡ thiết kế khôi phục và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã tài trợ kinh phí để CHXHCN Việt Nam mua 140 bó nhiên liệu từ Liên Xô. Dự án khôi phục lò phản ứng được tiến hành và đến 20-3-1984 lò phản ứng DLR-1 (lúc này đã đổi tên thành IVV-9) đã chính thức đưa vào hoạt động với công suất danh định 500 kW trên cơ sở sử dụng các thanh nhiên liệu WWR-M2 chứa U-235 có độ giàu cao (HEU) 36% do Liên Xô sản xuất.

Từ năm 2007 đến 2013, theo một số thỏa thuận với Nga và IAEA, lò phản ứng ở Đà Lạt được thay thế nhiên liệu có độ giàu cao (HEU) 36% xuống loại nhiên liệu có độ giàu thấp (LEU) 19,75% theo thiết kế ban đầu của lò, trong chiến dịch toàn cầu nhằm cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hạt nhân độ giàu cao có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân.

Bài viết và minh họa: Leo

Bài viết liên quan

Nằm ẩn mình tại một góc vắng lặng của Sài Gòn, Bảo tàng Địa chất là một trong những bảo tàng ít được biết đến nhất của thành phố, vì thế không gian nơi đây luôn mang dáng vẻ hoài niệm. 

Dãy nhà Hội Trường B của Đại học Khoa học Tự nhiên, một công trình hiện đại với những điều chỉnh hài hòa với khí hậu nhiệt đới Việt Nam, được đánh giá cao về công năng và hiệu quả sử dụng lẫn hiệu quả thị giác...