Nhà rường miền Nam qua các thời kỳ lịch sử
25May2022
Không gian cư trú truyền thống của người Việt tại miền Nam đã diễn ra những biến đổi như thế nào?
Trải trên không gian, từng tiểu vùng địa lý có những hình thức cư trú tương ứng, mà các nhà nghiên cứu trước đó tạm đúc kết thành ít nhất ba nhóm: 1) nhóm nhà xây trên đất ứng với khu vực đồng bằng cao ráo, 2) nhóm nhà sàn ứng với khu vực ngập nước ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, 3) nhóm nhà nửa sàn nửa đất ứng với các khu vực ven sông.
Theo chiều kích thời gian, những nhóm này đã trải qua các biến đổi theo từng thời kỳ nhất định. Bài viết này thử phác thảo lại quá trình diễn biến của nhóm nhà xây trên nền đất, từ thời kỳ 1) sử dụng vật liệu và kỹ thuật tại chỗ (nhà lá) đến 2) tiếp nhận kỹ thuật từ miền Trung (nhà gỗ), 3) tương tác với ảnh hưởng của các kiểu thức cổ điển Pháp, đến 4) Art Deco và 5) Modernist. Mỗi thời kỳ, cư dân khu vực đều thể hiện sự tương tác với các làn sóng bên ngoài và bảo lưu các cốt lõi lịch sử.
Trên thực tế, các thời kỳ phong cách này không độc lập mà gối lên nhau, đồng thời xuất hiện dần dần, thịnh hành và dần biến mất hoặc bị thay thế bởi phong cách khác. Do vậy, các đường thời gian được tô mờ hai biên để thể hiện sự tương đối. Các bài viết tiếp theo của chuyên mục này sẽ lần lượt đi sâu vào từng thời kỳ cũng như khám phá những loại hình khác chưa được đề cập trong bài hôm nay.
Nhà lá
Một ngôi nhà dựng bằng cột gỗ, mái lợp lá dừa nước, vách bằng các tấm gỗ, phần cửa sổ được sơn màu sáng, nền bằng đất nện.
Nhà lá được xây dựng từ những vật liệu tại chỗ: cột làm bằng thân gỗ, vách làm băng ván, mái lợp lá dừa nước, nền thường làm bằng đất nện và không lót gạch. Các vật liệu này đều được khai thác trong vùng, do đó vật liệu dựng nhà gắn liền với đặc trưng sinh thái của địa phương. Nhà lá thường không có nhiều trang trí, tuy một số ngôi nhà có thể được trang trí ở các phần diềm và các khung cửa sổ được đan bện thành các họa tiết hình học.
Nhà gỗ
Minh họa dựa trên cụm ba ngôi nhà thuộc dòng họ Trần tại Bình Dương. Mái nhà được lợp bằng ngói, các bờ nóc được trang trí bằng các hoa văn được tạo từ vữa, ban đầu được phủ sơn nhiều màu, nhưng hiện tại đã bị phai mờ và lộ ra lớp vữa gốc màu xám. Mặt tiền bằng gỗ với hệ cửa thượng song hạ bản. Hai bên được nhấn bằng hai đoạn tường và cửa sổ được trang trí bằng gốm màu.
Loại nhà này gắn liền với tầng lớp trung lưu trong thời kỳ Vương quốc Đàng Trong và thời Nguyễn, được xây dựng trong khoảng thế kỷ 17 đến những năm đầu của thế kỷ 20 và dần được thay thế bởi các hình thức xây dựng du nhập từ phương Tây kể từ cuối thế kỷ 19 đến ngày nay. So với tính tại chỗ về vật liệu của nhà lá, nhà rường gỗ được xây dựng từ các vật liệu đến từ nhiều địa phương, ví dụ gỗ quý từ các khu rừng ở miền Đông Nam Bộ và rừng Campuchia. Người thợ xây dựng những ngôi nhà này đến từ các làng nghề gỗ từ miền Trung, do đó họ mang theo các phong cách tạo hình đặc trưng của từng khu vực ở miền Trung Việt Nam. Cấu trúc ngôi nhà được làm từ các loại gỗ có giá trị cao, mái lợp bằng nhiều loại ngói đa dạng và nội thất được trang trí cầu kỳ bằng chạm khắc gỗ, thể hiện giá trị mỹ thuật cao.
Nhà Tây - nhà rường ảnh hưởng phong cách Pháp
Cấu trúc của nhà rường truyền thống vẫn được giữ nguyên, nhưng phần mặt tiền được xây dựng và trang trí theo những ảnh hưởng của phương Tây. Hệ phù điêu dày đặc tạo ra cảm giác đường bệ, phô bày sự sung túc và thành công của gia chủ.
Từ cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, kiến trúc truyền thống Việt Nam có sự tương tác với các phong cách đến từ phương Tây. Lúc này, "nhà Tây" (nhà xây theo kiểu Pháp) trở thành một thị hiếu mới. Các vật liệu hiện đại như gạch bông, gạch men, sắt và xi măng dần được ứng dụng bên cạnh các vật liệu truyền thống như gỗ và ngói. Mặt tiền của những ngôi nhà này được trang trí bằng hệ phù điêu giàu chi tiết. Các yếu tố trang trí phương Tây được kết hợp cùng các mô típ truyền thống, thường theo cảm quan riêng của từng chủ nhà và thợ xây dựng, thường phớt lờ các vấn đề về tỷ lệ và sự hài hòa mà chú ý nhiều hơn đến tính đường bệ, gợi cảm và biểu thị cho địa vị xã hội của gia chủ.
Nhà rường trang trí theo phong cách Art Deco
Những họa tiết thực vật cách điệu ở thời kỳ trước đã trở thành những họa tiết hình học gãy gọn. Minh họa được thực hiện dựa theo một phủ thờ ở Cần Thơ, kết hợp cùng bộ cửa hoa văn mặt trời của một ngôi nhà khác trong cùng khu vực để tạo ra sự tương thích về phong cách.
Khoảng từ thập niên 1920-1930, những yếu tố trang trí của phong cách Art Deco được du nhập vào Việt Nam, thay thế cho sự bão hòa của các hình thức trang trí cổ điển. Kiến trúc dân gian tiếp tục thể hiện sự tương tác với các kiểu thức mới. Làn sóng này thịnh hành trong thập niên 1940 và giảm dần kể từ thập niên 1950 trước khi được phong cách Modernism thay thế. Các họa tiết trang trí chủ yếu được cấu tạo bằng các dạng hình học, đường thẳng dạng tỏa tia, các cấu trúc giật cấp. Vật liệu chủ yếu là vữa xi măng, nhưng cũng được kết hợp cùng sơn phun gai, đá cẩm thạch, kim loại đánh bóng, gỗ ghép vân đối xứng và khảm kính màu dạng hình học.
Nhà rường trang trí theo phong cách Modernism
Ngôi nhà rường truyền thống được kết hợp cùng một mặt tiền Modernist: họa tiết trang trí đã biến mất để nhường chỗ cho sự tối giản của đường nét, bề mặt được phủ bằng đá rửa thô nhám, phần trang trí trên mái cũng đã trở nên tối giản thành một khối chữ nhật ở giữa bờ nóc. Minh họa được thực hiện dựa theo một phủ thờ ở Vĩnh Long.
Từ thập niên 1950, xu hướng kiến trúc Hiện đại (Modernism) được ưa chuộng và trở nên phổ biến ở các đô thị lớn, sau đó dần lan tỏa đến các vùng nông thôn và ảnh hưởng đến kiến trúc dân gian. Những ngôi nhà ở nông thôn vẫn giữ cấu trúc và sự bố trí không gian sinh hoạt truyền thống, nhưng lớp bao che thể hiện sự ảnh hưởng của kiến trúc Hiện đại, đặc biệt thường được phủ bằng các vật liệu thô mộc như đá mài, đá tự nhiên không đánh bóng. Các họa tiết hầu như biến mất để nhường chỗ cho sự tối giản của đường nét và hình khối, tuy nhiều ngôi nhà vẫn được trang trí bằng các họa tiết biểu hình nhưng được cách điệu theo kiểu hình học.
Nhà ở dân gian miền Nam đã trải qua một quá trình biến đổi đa dạng: từ nhà lá, nhà gỗ truyền thống đến những ngôi nhà chịu sự ảnh hưởng của phong cách phương Tây, bắt đầu từ các phong cách cổ điển Pháp, đến Art Deco và Modernism. Thông qua việc bóc tách sự đổi thay của các hình thức xây dựng và trang trí, chúng ta có thể nhìn lại một tiến trình về kỹ thuật, sự va chạm giữa các làn sóng văn hóa và sự thay đổi về thị hiếu của con người theo dòng chảy thời gian.
Minh họa: Phạm Nhật Tiến
Bài viết: Hiếu Y và Phạm Nhật Tiến
Bài viết liên quan
Nhà cửa nông thôn có sự thể nghiệm với các hình khối mới mẻ, năng động của xu hướng hiện đại, song vẫn giữ lại những yếu tố truyền thống, đặc biệt là bố cục không gian vì đó là những nếp nhà đã hình thành qua thời gian dài và ăn sâu vào nếp sinh hoạt nông thôn.
Nhà cửa nông thôn có sự thể nghiệm với các hình khối mới mẻ, năng động của xu hướng hiện đại, song vẫn giữ lại những yếu tố truyền thống, đặc biệt là bố cục không gian vì đó là những nếp nhà đã hình thành qua thời gian dài và ăn sâu vào nếp sinh hoạt nông thôn.