Thái Tổ Miếu triều Nguyễn và những điều chưa biết

Mô phỏng quần thể Thái Tổ Miếu do Midas thực hiện.

27Aug2022

Tự cổ chí kim, thờ phụng tổ tiên vốn là đạo lý ngàn đời của cư dân Á Đông và đặc biệt là những quốc gia theo tư tưởng trị quốc Nho giáo. Thờ phụng tổ tiên có nhiều cấp độ và quy mô khác nhau, nhưng cao nhứt là “Miếu” và thông dụng nhứt là “Từ” hay “Từ Đường”, trải dài từ nhà đế vương tới thường dân. Miếu thờ nhà đế vương có những quy chế đặc biệt tuân theo Chu Lễ xa xưa trong bố cục sắp đặt vị trí xây dựng lẫn bố trí các án thờ, phổ biến nhứt là các quy tắc “Đồng Đường - Dị Thất 同堂異室”, “Tả chiêu - Hữu mục 左昭右穆”, “Tả tổ - Hữu xã 左祖右社”, “Ti Tiền - Tôn Hậu 卑前尊後”.

Mô phỏng quần thể Thái Tổ Miếu do Midas thực hiện.

Mô phỏng quần thể Thái Tổ Miếu do Midas thực hiện.

Ảnh chụp Hiển Lâm Các trong quần thể Thế Tổ Miếu.

Không ảnh quần thể Tả Miếu hiện nay.

Về Thái Tổ Miếu triều Nguyễn, công trình hiện dù chỉ còn là nền phế tích, nhưng thông qua lịch sử xây dựng của tòa miếu, có thể thấy triều đình đặt việc tế tự ở đây lên hàng đầu chỉ sau lễ tế Nam Giao trong tất cả các lễ nghi tế tự của quốc gia. Dựa theo nguồn sử liệu ghi lại, Thái Tổ Miếu được xây dựng mới với quy mô tráng lệ từ năm 1804 tại vị trí góc Đông Nam của Hoàng Thành cùng lúc với Triệu Tổ Miếu (thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế - Nguyễn Kim) và Hoàng Khảo miếu (miếu thờ song thân vua Gia Long), và là một trong những công việc xây dựng đầu tiên của vua Gia Long sau khi lấy lại được Phú Xuân. Trước đó 2 năm, ngài đã cho dựng một Thái Tổ Miếu khác trong khu vực miếu hiện nay ngay khi vừa tiếp quản kinh đô để làm nghi thức tế cáo tổ tiên, và ngôi miếu này chỉ có tính tạm thời với quy mô nhỏ.

Ảnh chụp Thái Tổ Miếu những năm 1930.

Ngôi miếu mới, với quy mô to lớn khang trang, được quyết định trong một đạo chỉ dụ của vua Gia Long rằng: “...bắt đầu từ Thái vương, trải đời truyền nhau đến Hiếu định vương thì đúng hợp với số chín miếu. Nên định ở bên tả trong hoàng thành dựng nhà Thái Miếu, noi theo kiểu đồng đường dị thất của nhà Hán nhà Minh, thờ Thái vương làm Thái tổ, đặt ngôi ở gian giữa, từ Hiếu văn vương đến Hiếu định vương thì chia ra hai bên 4 chiêu 4 mục, hợp thành 9; đằng sau Thái Miếu thì dựng miếu Triệu tổ, thờ Chiêu huân tĩnh vương làm Triệu tổ, để tỏ rằng Thái tổ là tự đó mà ra; lại ở bên hữu phía trong hoàng thành, dựng miếu Hoàng khảo để tỏ rằng đế nghiệp là tự đó mà ra. Tuyên vương và Huệ vương, thì đợi các miếu làm xong, sẽ làm viên tẩm riêng để thờ”...

[Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập I, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. tr.589]

Mặt bằng Thái Tổ Miếu.

Có thể thấy rằng, đức vua đã xác định kiểu dáng kiến trúc và bố cục của toà miếu tương lai bằng nguyên tắc: “tả chiêu, hữu mục” (trái hàng cha, phải hàng con). Tòa miếu có kiến trúc kiểu “Trùng thiềm-điệp ốc” với chính doanh 13 gian 2 chái kép, tiền doanh 15 gian 2 chái đơn. Nếu còn tồn tại, đây có lẽ là tòa kiến trúc gỗ có mặt tiền dài nhứt Việt Nam nói chung và hệ thống kiến trúc cung đình triều Nguyễn nói riêng.

Ngoài ra, thông qua chỉ dụ trên, chúng ta còn biết được, cả Thái Tổ Miếu và Triệu Tổ Miếu là một tổ hợp kiến trúc thống nhứt chặt chẽ, gọi chung là Tả Miếu (khu miếu nằm bên trái điện Thái Hoà), và cả quần thể lại đứng ở hàng Chiêu (đời cha) khi so với quần thể đối xứng bên kia trục dũng đạo của Hoàng thành là Hưng Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu, gọi chung là Hữu Miếu (khu miếu bên phải điện Thái Hoà), là hàng Mục (đời con). Riêng trong khu Tả Miếu, việc đặt Triệu Tổ Miếu sau lưng Thái Tổ Miếu cũng đã tuân theo nguyên tắc “Ti Tiền - Tôn Hậu” (卑前尊後), y như lời dụ của vua Gia Long: “đằng sau Thái Miếu thì dựng miếu Triệu tổ, …để tỏ rằng Thái tổ là tự đó mà ra”. Bố cục các khu miếu đăng đối nghiêm ngặt theo điển lễ ngàn đời, càng nhấn mạnh uy quyền và địa vị độc tôn của hoàng đế.

Ngoài Thái Miếu và Triệu Miếu, khuôn viên khu Tả Miếu còn có các công trình phụ trợ cũng bố trí rất nghiêm ngặt. Triệu Miếu có 2 nhà phụ trợ là Thần Khố, Thần Trù lần lượt nằm ở bên trái, phải, và các cửa ra vào (xem ảnh chú thích). Thái Tổ Miếu có số công trình phụ thuộc nhiều hơn cả. Bên hông trái, phải Miếu dựng 2 nhà kiểu phương gia (nhà vuông) là Tả Phương đường, Hữu phương đường, phía trước lại thêm 2 nhà vuông nữa gọi là Tả Tế Sở, Hữu Tế Sở đều ở thế phủ phục trước Miếu chính. 4 nhà phụ của Thái Miếu sang đời Minh Mạng được đổi tên lại, Tả Phương Đường thành Long Đức Điện (dùng để tổ chức lễ kỵ cho Thái tổ hoàng đế), Hữu Phương đường thành Thổ công từ. Đến đây, chúng ta lại nhận ra ý đồ tài của vua Minh Mạng muốn sắp xếp chức năng và tên gọi của 2 nhà này theo nguyên tắc “Tả tổ - Hữu xã 左祖右社” (trái thờ Tổ tiên, phải thờ đất đai xã tắc). 2 điện còn lại được đổi tên thành Chiêu Kính, Mục Tư (2 điện dùng làm lễ kỵ các vị ở khám thờ bên trái và phải khám thờ vị Thái tổ với chữ Chiêu, Mục trong nguyên tắc “tả chiêu-hữu mục”. Sự tài tình và tinh thông Nho giáo, điển chế của vua Minh Mạng đã làm cho di sản của phụ hoàng mình càng thêm ý nghĩa lớn lao. Xung quanh tường bao Thái Tổ Miếu còn có các cửa với tên chữ cũng đối nhau tài tình. Phía trước Miếu từng có Tuy Thành Các được mô tả khá giống Hiển Lâm Các của khu Hữu Miếu nhưng đã hạ giải thời vua Kiến Phước, tiếp đến là Tả - Hữu Tòng Tự thờ các vị công thần đời các chúa Nguyễn, và ngoài cùng phía nam của Tả Miếu là Thái Miếu Môn dạng tam quan cổ lầu, bên ngoài cửa có đặt cặp sư tử đá chầu (mà hiện không rõ từ khi nào đã đem ra đặt trước cửa Hiển Nhơn của Hoàng Thành).

Tản Mạn Kiến Trúc thực hiện mô phỏng dựa trên các tài liệu lịch sử nhằm cung cấp một cái nhìn trực quan về khu phế tích Thái Tổ Miếu.

Bài viết: Nick

Minh họa: Midas, Leo, Tumiigg

Trình bày: Tumiigg

Bài viết liên quan

Vì nóc là một thành phần không thể thiếu cả trong bộ khung kiến trúc cung đình lẫn dân gian vào thời kỳ triều Nguyễn. Trong bài viết này, TMKT cung cấp thông tin về cấu kiện đặc biệt này, một thành tố vừa có chức năng chịu lực cho mái nhà, vừa thể hiện kỹ thuật chế tác tài tình của nghệ nhân cung đình.

Nhà cửa nông thôn có sự thể nghiệm với các hình khối mới mẻ, năng động của xu hướng hiện đại, song vẫn giữ lại những yếu tố truyền thống, đặc biệt là bố cục không gian vì đó là những nếp nhà đã hình thành qua thời gian dài và ăn sâu vào nếp sinh hoạt nông thôn.