Bộ vì nóc trong kiến trúc cung đình thời Nguyễn

Bản vẽ mặt cắt ngang của điện Thái Hòa. Tản Mạn Kiến Trúc thực hiện

10Aug2022

Vì nóc là một thành phần không thể thiếu cả trong bộ khung kiến trúc cung đình lẫn dân gian vào thời kỳ triều Nguyễn. Trong bài viết này, TMKT cung cấp thông tin về cấu kiện đặc biệt này, một thành tố vừa có chức năng chịu lực cho mái nhà, vừa thể hiện kỹ thuật chế tác tài tình của nghệ nhân cung đình.

Sơ lược về vì nóc: Là tổ hợp cấu kiện gỗ nằm giữa 2 cột cái của ngôi nhà, là kết cấu đỡ mái ở phần bờ nóc, đỡ lấy đòn nóc và các đòn tay khác trong phạm vi giữa 2 cột cái.

Một toà nhà dựng theo thể thức trùng thiềm điệp ốc có 2 phần nhà là tiền doanh và chính doanh, nhưng cấu trúc bộ vì nóc của 2 phần nhà này có sự khác biệt. Để đạt hiệu ứng thị sai phối cảnh và yêu cầu cao về biểu hiện tính chất uy quyền cho nội thất, người xưa đã dùng thủ pháp hạ độ cao trần nhà theo chiều từ ngoài vào trong lòng công trình, qua đó không gian nội thất tụ lại ở vị trí trọng tâm công trình, làm tôn lên vị thế tối cao, thần bí và nghiêm trang. Chính vì vậy, phần tiền doanh công trình được cố ý để lộ ra bộ vì nóc cùng các cấu kiện mái để không gian cao to, lộng lẫy và gia tăng hiệu ứng trang trí, trong khi phần chánh doanh đóng rầm thượng (bộ phận kiến trúc có vai trò như la phông - đóng trần ngày nay) che bộ vì nóc lại, theo đúng thủ pháp tạo hình trên.

Bản vẽ mặt cắt phần tiền doanh

Bản vẽ mặt cắt phần chánh doanh

Phần tiền doanh, là không gian ngoài cùng của công trình, được trang trí lộng lẫy cả ở các chi tiết kiến trúc lẫn vật dụng nội thất. Bộ vì nóc của gian nhà này được cố ý phô bày ra và được tạo tác cầu kì, tinh xảo, đóng vai trò như một điểm nhấn quan trọng. Bộ vì nóc ở khung nhà tiền doanh các ngôi điện lớn của triều Nguyễn sử dụng dạng thức chủ yếu là “chồng rường”, “chồng rường-trụ đội”, “chồng rường-giả thủ”... cùng các biến thể đa dạng của chúng.

Phần chánh doanh, nơi đặt công năng sử dụng chính của công trình, có bộ vì nóc cấu tạo dạng vì giao nguyên-trụ đội. Các chi tiết này nằm ẩn trên phần rầm thượng (trần nhà) nên không thể quan sát được, chỉ đóng vai trò chịu lực đỡ mái, do đó không được trang trí. Đây cũng là bộ vì nóc căn bản của hình thức nhà “xuyên-trính”, hay “nhà rường” ở vùng Huế nói riêng và cả miền Trung, miền Nam nói chung.

Theo khảo sát của TMKT, các bộ vì nóc tiền doanh triều Nguyễn có thể được phân biệt thành các thời kì đặc trưng qua các đời vua Gia Long - Minh Mạng - Thiệu Trị - Tự Đức - Thành Thái. Tiêu chí phân biệt chủ yếu dựa vào cách tạo tác chạm trổ, hình dạng, phân nhánh biến thể. Trong đó, công phu và nghệ thuật nhứt phải kể đến các bộ vì nóc thời Minh Mạng - Thiệu Trị, khi trình độ tạo tác của thợ mộc cung đình đạt đến tầm cao. Thành phần bộ vì nóc gồm các thanh rường xếp từ 2 đến 3 lớp chồng lên cao dần từ dài đến ngắn được đặt trên thanh trến, sau đó các trụ đội có kích thước bằng nhau sẽ nối ghép các thanh rường với nhau bằng liên kết mộng chốt và được dựng thẳng trực tiếp đỡ các đòn tay. Từ các cấu kiện căn bản đó, bộ vì nóc kiến trúc cung đình được biến thể thêm qua thủ pháp hợp nhứt, tách rời hay bổ sung cấu kiện phụ, làm cho mỗi bộ vì nóc của một ngôi điện trở thành một đặc trưng. Chúng ta có thể tạm phân loại hình dạng các bộ vì nóc của các công trình kiến trúc thuộc hệ thống kiến trúc cung đình triều Nguyễn (hiện còn tồn tại và qua tư liệu) thành 6 loại. Tên gọi mỗi loại được TMKT đề xuất dựa trên hình dạng căn bản như sau:

Giao nguyên - trụ đội

Là bộ vì căn bản của kiến trúc nhà rường truyền thống vùng Huế trở vào Nam. Trong kiến trúc cung đình, bộ vì nóc này rất phổ biến và dùng cho Chánh doanh các toà điện kiểu trùng thiềm-điệp ốc (2-3 nhà ghép lại) hay các điện phụ cấu tạo chỉ một toà nhà đơn, các trường lang, dực lang. Bộ vì bao gồm các phần cấu kiện căn bản gồm: 2 kèo ghép chéo nhau ở 1 đầu, ấp quả, trụ đội, con đội và thanh trến. Trong kiến trúc dân gian, bộ vì này có những biến thể trong cách tạo tác cũng như có thể lược bỏ thành phần cấu tạo tùy nhu cầu sử dụng.

Chồng rường - trụ đội

Bộ vì nóc công trình Hiển Đức Môn - Hiếu Lăng.

Là hình thức phối hợp căn bản của bộ vì nóc tiền doanh kiến trúc cung đình, có nét tương đồng với thức chồng rường của kiến trúc Trung Hoa, thể hiện rõ sự ghép nối các phần cấu kiện gồm rường nằm ngang và trụ đội đứng, đỡ lấy đòn tay mái. Các công trình cung đình mang bộ vì nóc này gồm có: Hưng Tổ Miếu (Đại Nội), Hiển Đức Môn (Hiếu Lăng), Hồng Trạch Môn (Xương Lăng), Khiêm Cung Môn (Khiêm Lăng).

Chồng rường - giả thủ

Bộ vì nóc công trình Ngưng Hy Điện - Tư Lăng.

Khi ở dạng này, thanh rường ngang và trụ đội đứng hợp nhất thành một cấu kiện có dạng chữ U, xếp chồng và nhỏ dần ở trên đỉnh, được gối lên nhau bằng các gối đỡ dạng hồi văn xoắn lại và các con đội. Kiến trúc cung đình mang bộ vì nóc này gồm có: Thái Hoà Điện (Đại Nội), Diên Thọ Cung Chánh Điện (Đại Nội), Hiển Lâm Các (Đại Nội), Ngưng Hy Điện (Tư Lăng). Ngoài ra bộ vì này còn có phiên bản tối giản hơn khi các “Giả thủ” chữ U chỉ kê lên nhau bằng các con đội vuông chạm trổ vừa phải, có thể thấy đại diện công trình của kiểu vì này ở 2 điện Hòa Khiêm, Lương Khiêm thuộc Khiêm Lăng.

Hồi văn - Giả thủ

Bộ vì nóc công trình Sùng Ân Điện - Hiếu Lăng.

Ở dạng thức này, các thanh rường gối lên nhau để đỡ trụ “giả thủ” được cách điệu thành các đoạn hồi văn xoắn lại ở 2 đầu, các khoảng hở giữa 2 đầu xoắn khúc của thanh rường được chèn các mảng chạm lộng hoạ tiết dây lá, hồi văn để tăng tính mỹ thuật. Kiến trúc cung đình có bộ vì nóc này có thể kể đến gồm: Sùng  n Điện (Hiếu Lăng), Biểu Đức Điện (Xương Lăng), Đại Cung Môn (Đại Nội). Bộ vì nóc này xuất hiện vào giữa thời Minh Mạng, kéo dài đến đầu triều Tự Đức, có giá trị tạo hình nghệ thuật cao sau bộ vì nóc bản của thời Thiệu Trị.

Bản - giả thủ

Bộ vì nóc công trình Minh Thành Điện - Thiên Thọ Lăng.

Hình thức này có dạng cấu tạo gồm một tổ hợp chạm trổ - chạm lộng dạng bản, có hình dáng bậc thang 3 cấp thay thế cho hệ các thanh rường ngang gối lên nhau, trên các cấp đỡ 1 trụ đứng chống đỡ đòn tay mái, tạo tác phần đỉnh trụ như bàn tay cầm lấy đòn tay mà ta hay gọi là “giả thủ”. Các kiến trúc mang bộ vì nóc này gồm: Triệu Tổ Miếu (Đại Nội), Thế Tổ Miếu (Đại Nội), Cần Chánh Điện (Đại Nội), Minh Thành Điện (Thiên Thọ Lăng), Long  n Điện (An Lăng).

Bản

Bộ vì nóc công trình Long An Điện - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Đúng như tên gọi, toàn bộ trụ đội và rường đỡ đều hoà thành một bản đứng lấp đầy khoảng trống giữa thanh trến, cột cái, đòn nóc và đòn tay đỡ mái. Dạng bản dùng để phô trương tài nghệ chạm khắc điêu luyện của thợ thủ công khi toàn bộ bề mặt được chạm trổ công phu cả 2 mặt, với độ nổi của mảng chạm cao (high-relief). Bộ vì nóc này mang tính đặc trưng và chỉ xuất hiện ở các công trình xây dựng thời Thiệu Trị còn tồn tại tới ngày nay, gồm: Long An Điện (Bảo tàng CVCĐ Huế, xưa thuộc Bảo Định Cung), Di Luân Đường tiền doanh (Quốc Tử Giám, xưa thuộc Bảo Định Cung), Tư Lăng tẩm điện Cung môn (Tư Lăng).

Bộ vì nóc công trình Di Luân Đường - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Về motif trang trí chạm trổ trên các thành phần cấu kiện của bộ vì nóc, có đa dạng các kiểu dáng theo các chủ đề: hồi văn, dây lá, hoa, quả, vân (mây), ký tự, con rồng, con giao… Các đồ án này lại được phối hợp với nhau thành những dạng thức hấp dẫn như hồi văn hoá long, dây lá hoá long hoặc vân (mây) hoá mặt rồng chính diện… Mặc dù những hình thức trang trí này luôn được lặp lại và bị giới hạn bởi những quy định nghiêm ngặt trong cung đình, nhưng các nghệ nhân, thợ chạm vẫn luôn tìm ra giải pháp sáng tạo, biến đổi những hoạ tiết này thành những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Từ những đường nét đơn giản, riêng biệt được cách điệu hóa, kết hợp từ một hoặc hai họa tiết với nhau để cho ra những họa tiết trang trí mang một sắc thái mới mà không tạo cảm giác nhàm chán cho người chiêm ngưỡng.

Hệ thống di sản kiến trúc cung đình triều Nguyễn có những nét đặc trưng độc đáo về thủ pháp kiến trúc - nghệ thuật và giá trị lịch sử văn hóa. Thông qua việc tìm hiểu cấu trúc xây dựng và tạo hình kiến trúc cụ thể là bộ vì nóc, chúng ta có thêm một tham chiếu để đánh giá những giá trị quý báu của người xưa qua từng đường nét chạm trổ, trang trí trong kiến trúc. Đồng thời, các tạo tác này truyền cảm hứng cho tình yêu gìn giữ, bảo tồn những giá trị di sản kiến trúc - nghệ thuât truyền thống.

Bài viết liên quan

Công trình hiện dù chỉ còn là nền phế tích, nhưng thông qua lịch sử xây dựng của tòa miếu, có thể thấy triều đình đặt việc tế tự ở đây lên hàng đầu chỉ sau lễ tế Nam Giao trong tất cả các lễ nghi tế tự của quốc gia.

Nhà cửa nông thôn có sự thể nghiệm với các hình khối mới mẻ, năng động của xu hướng hiện đại, song vẫn giữ lại những yếu tố truyền thống, đặc biệt là bố cục không gian vì đó là những nếp nhà đã hình thành qua thời gian dài và ăn sâu vào nếp sinh hoạt nông thôn.