Nghiên cứu thực địa đi qua những đổi thay

Ngôi nhà trở thành một tàn tích.

Trong ba năm triển khai dự án Tản Mạn Kiến Trúc, dự án đã có dịp ghé thăm nhiều công trình, trong đó có những nơi được nhiều người biết đến, đồng thời có cả những nơi chỉ còn là những mảnh tàn tích đương chìm khuất giữa cây cỏ phủ lấp. Hành trình khám phá những di chỉ ký ức đó cứ thoáng qua theo năm tháng, sau thời gian dài chúng tôi mới lại có dịp trở về viếng thăm những nơi cũ và nhận ra nhiều công trình trong số đó đã không còn hiện diện: khoảng không gian chúng từng chiếm ngự nay nhường chỗ cho một cửa hàng hiện đại, vài nơi trở thành phế tích hoang vu, và có cả những mảnh tàn lưu từng làm chúng tôi nao lòng giờ cũng bị cuốn trôi đâu đó sau những trận lở đất ở vùng châu thổ Sông Cửu Long…

Nhặt nhạnh từng mảnh vỡ

Di sản đương nhiên khó thoát khỏi sự đổi thay của những lựa chọn đời sống, và những chuyến gặp gỡ đối với chúng tôi là những giây phút quý báu vô chừng. Dự án kịp lưu lại thông tin và hình ảnh về những công trình trước khi chúng biến mất… ít nhất là để giữ lại chút gì trong tâm trí, trong hoài niệm, lưu lại tư liệu để chờ đợi những nghiên cứu có hệ thống hơn ở tương lai.

Tới ngày hôm nay, dự án Tản Mạn Kiến Trúc vẫn đi theo phương pháp chính là khảo sát kiến trúc thực địa. Chúng tôi tin rằng nghiên cứu về di sản là một cuộc dấn thân và trải nghiệm đầy đủ muôn hình của di sản, là để tất cả giác quan chìm đắm trong kiến trúc rồi nhặt lấy những rung cảm đời sống, là lặng nghe tiếng rì rầm chuyện cổ từ những người chủ hay chính cộng đồng xung quanh, và cả lẽ thoáng mất - thoáng còn của ký ức và những cuộc đời đã vô danh. 

Một thành viên của Tản Mạn Kiến Trúc đang băng qua một cánh đồng ngập nước để đến khu mộ đá ở giữa đồng. Tản Mạn Kiến Trúc sưu tập dữ liệu từ thực địa, lưu trữ, phân tích và lan tỏa những kiến thức chúng tôi thu thập được đến với cộng đồng.

Ngôi nhà này hiện đã chìm trong rác thải và trở thành một phế tích đô thị. Đi thực địa là một nỗ lực lưu giữ lại dữ liệu về những công trình có nguy cơ biến mất.

Câu chuyện của những người đang sống cùng di sản

Không chỉ dừng lại ở góc độ hiện vật, đi thực địa còn cho phép tiếp cận với công trình kiến trúc trong chính chiều sâu thẩm mỹ của không gian. Chúng tôi thường trò chuyện cùng chủ nhân các công trình, tìm hiểu cách họ thưởng thức và trân quý vẻ đẹp nơi những ngôi nhà cổ. Chúng tôi cùng họ ngắm nhìn những mảnh khảm xà cừ lóng lánh trong ánh sáng ban trưa, hay những vân đá ánh lên vào cuối ngày, cùng họ dò tìm giữa hàng trăm hình chạm gỗ và nghe họ kể về đời sống trong ngôi nhà di sản - giữa trách nhiệm, lòng tự hào, nỗi lo âu và ước mong cho mỗi công trình. Đối với chúng tôi, kiến trúc được xây nên vì những ước mơ của con người và câu chuyện về kiến trúc chỉ trở nên trọn vẹn khi được kể từ góc nhìn của những người ngày ngày sống cùng kiến trúc, là sự nối dài của di sản vật chất lưu lại thành ký ức dòng tộc, con người.

Và rồi biết đâu khi tất cả những dư ba của di sản cứ lan tỏa mãi vào tương lai, thì một ngày bóng hình của chúng có lẽ sẽ có lần tái hiện trong những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ…

Cô Bảy chủ nhân nhà cổ Lê Quang Xoát ở Cái Bè, Tiền Giang chuẩn bị trà cho cuộc trò chuyện. Mỗi lần trở lại thăm cô Bảy, chúng tôi lại nghe thêm những câu chuyện mới và sổ ghi chép của chúng tôi lại dày thêm...

Người trẻ sẽ kể những câu chuyện gì về lựa chọn trở về với ngôi nhà của tổ tiên và làm sống dậy những gì đã chìm khuất? Chúng tôi đã gặp gỡ những chủ nhân của nhà cổ họ Mai và ghi lại trải nghiệm của họ.

Những lò gạch cuối cùng ở "vương quốc lò gạch" Mang Thít chậm rãi nhả khói. Chúng tôi muốn kể câu chuyện của những di sản lẫn những gì chưa được xem là di sản, chia sẻ chân dung của những người sống bên trong, và mở rộng thảo luận về những cách ứng xử với những công trình gắn liền với ký ức và lịch sử của các vùng đất.

Bài viết liên quan

Tản Mạn Kiến Trúc được ra đời để khỏa lấp khoảng trống về nguồn thông tin, mở rộng dựa trên sự đa dạng và hướng đến trở thành một diễn đàn thảo luận đa chiều. Chúng tôi cho rằng câu chuyện về di sản chỉ có thể hoàn thiện khi có được sự trao đổi phi định kiến, nơi câu chuyện của con người có một vị trí trung tâm.

Vĩnh Long là một đô thị có lịch sử lâu dài ở vùng trung tâm đồng bằng. Tại đây nhiều cộng đồng cư dân với nhiều lớp văn hoá đã cùng sinh sống và tương tác suốt các giai đoạn lịch sử của vùng đất.

Quay lại trang chính