[Màn trập] Bến Bình Đông ngày cận Tết

Màn trập là bộ phận có chức năng đóng mở để ánh sáng đi vào máy ảnh nhằm thu lại hình ảnh trên phim. Tản Mạn Kiến Trúc dùng "Màn Trập" để gọi tên chuỗi bài khám phá bằng ảnh. Chữ ít, ảnh nhiều, mỗi chuyên mục là một chuyến kiếm tìm và lưu trữ vẻ đa dạng nơi những vùng đất mà chúng tôi đi qua.

Trong những ngày cận Tết, chúng mình có chuyến dạo chơi quanh khu vực bến Bình Đông, đoạn Kinh Tàu Hủ giữa quận 8 và quận 4. Các tuyến đường thuỷ này ngày xưa từng đóng vai trò quan trọng trong giao thông liên vùng, kết nối Sài Gòn và Chợ Lớn với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đây là con đường thủy huyết mạch của hoạt động chuyên chở hàng hoá giữa các tỉnh, đồng thời đóng vai trò kết nối văn hoá khi các luồng cư dân liên tục di chuyển và tương tác qua các tuyến sông, rạch, kinh đào.

Dần dần, vai trò quan trọng của giao thông đường thủy suy giảm khi đường bộ chiếm ưu thế, hoạt động giao thương trên các tuyến kinh rạch ở khu vực quận 1, quận 4 và quận 8 cũng bắt đầu vắng bóng. Những ngày cận Tết là thời điểm hiếm hoi để chứng kiến các tuyến kinh trở lại nhộn nhịp. Đây là dịp bà con các tỉnh miền Tây mang hoa kiểng đến bày bán dọc theo đoạn Bến Bình Đông, và người dân thành phố có dịp thấy lại quang cảnh buôn bán 'trên bến dưới thuyền' vốn tưởng chỉ còn trong sách vở.

Chúng mình cùng đi dạo men theo những ngõ ngách ở khu vực Bến Bình Đông. Những khu nhà xưởng, nhà kho, nhà 'chành', phố chợ lâu nay ít được chăm sóc và bắt đầu xuống cấp, lại là hiện thân cho một giai đoạn thương mại nhộn nhịp. Một ngôi nhà modernist có bảng hiệu 'Tàu-vị-iễu Con Mèo' là cơ sở của hãng sản xuất nước tương từ năm 1951, một mặt hàng gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ cư dân thành phố. Những khu hẻm nhỏ ngày nay vẫn còn mang tên hiệu bằng tiếng Hoa như 'Đại Cát Quyến', 'Trường An Lý' cùng những dấu ấn đặc biệt của cộng đồng người gốc Hoa. Tiếp tục đi sâu vào các hẻm nhỏ, tụi mình đã có dịp trò chuyện với một ông cụ sống lâu năm ở khu vực, được cụ dẫn vào xem không gian bên trong khu shophouse xây từ thời Pháp, nơi gia đình cụ đã sống qua 4 thế hệ. Cụ giải thích sự sắp xếp không gian trong ngôi nhà, hỗ trợ tụi mình phác thảo và tự hào kể về kỷ niệm của từng món kỷ vật.

Đi chầm chậm để quan sát thật kỹ những chi tiết ẩn khuất của thành phố, nhận ra vẻ đẹp nơi những đồ vật bình thường, trò chuyện với người dân và ghi chép thật nhiều chuyện kể, quan sát cách cư dân sống, tương tác và quý trọng kiến trúc... Đó là cách chúng mình thong thả cảm nhận một buổi sáng cuối năm.

Hình ảnh: Duy Khang

Bài viết liên quan

Ngôi nhà là một minh chứng cho giai đoạn giao lưu Pháp Việt ở đầu thế kỷ 20, khi những ảnh hưởng từ Pháp song hành cùng truyền thống trang trí của Việt Nam trong cùng một không gian.

Vĩnh Long là một đô thị có lịch sử lâu dài ở vùng trung tâm đồng bằng. Tại đây nhiều cộng đồng cư dân với nhiều lớp văn hoá đã cùng sinh sống và tương tác suốt các giai đoạn lịch sử của vùng đất.

Những dấu mốc thời gian nơi đô thị cổ Sa Đéc

Phố chợ Sa Đéc lưu giữ những dấu mốc gợi nên dòng chảy lịch sử đa dạng mà đô thị này từng trải qua. Cùng dạo bước qua những di sản kiến trúc tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để thong thả cảm nhận thời gian trôi qua tại một đô thị lâu đời của xứ đồng bằng.

Nằm ở giao điểm của những dòng sông lớn, Chợ Mới là điểm hội tụ của các dòng lưu thông quan trọng, đồng nghĩa với việc vùng đất này liên tục đón nhận nhiều ảnh hưởng văn hóa trong suốt lịch sử của nó...