"Nhà trên" - phòng khách Việt, một chiếc hộp ký ức lưu giữ thời gian

Nhà ông Hội đồng Dư ở Cần Thơ.

29Aug2022

Bài viết dành cho bạn đọc chưa có dịp ghé thăm những ngôi nhà gỗ truyền thống, chúng ta thử hình dung chuyến đi như sau: Người khách vừa bước đi dưới trời trưa nắng nóng, giờ được sà vào một khu vườn xanh mát, băng qua thềm gạch đỏ cam dưới hàng hiên nối dài làm dịu mát sự bỏng rát của nắng trời. Ta sẽ gặp người chủ đương mở những đôi cửa gỗ cọt kẹt, và ánh sáng sẽ đổ tràn vào gian nhà tối làm sống dậy sắc màu lấp lánh của xà cừ và ánh vàng của những đồ mạ kim. Một không gian đầy chi tiết sẽ hiện ra trước người khách tò mò, màu sắc óng ánh của xà cừ giữa những mảng tối gợi lên điều gì đó xa xưa và thiêng liêng vẫn luôn đợi ta dưới mái nhà cổ. Đây là phòng khách Việt, chiếc hộp bảo lưu thời gian, ký ức và sự hiện hữu của những đời người.

Ánh sáng sẽ đổ tràn vào gian nhà tối làm sống dậy sắc màu lấp lánh của xà cừ và ánh vàng của những đồ mạ kim. Nhà cổ ông Lê Quang Xoát nằm trong cụm làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Gọi là "phòng khách" để chúng ta dễ hình dung theo cách nghĩ về không gian của người hiện đại, vốn chịu ảnh hưởng từ sự du nhập của phương Tây. Phòng khách là từ ngữ được sinh ra trong thời hiện đại, thường được dùng cho ngôi nhà tường với sự phân chia rạch ròi thành nhiều phòng mang những chức năng riêng biệt: phòng tiếp khách, phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp, phòng tắm,... Do đó, khái niệm quy định về chức năng đón khách chỉ xuất hiện cùng với làn sóng xây nhà Tây vào đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà truyền thống không thể hiện sự phân định rạch ròi như thế. Người ta thường gọi "nhà trên - nhà dưới". Nhà trên ngụ ý quan trọng, dành làm nơi thờ tự, là nơi được trang trí cẩn trọng nên cũng thường được dùng để đón khách. Nhà dưới thuộc về nơi thân thuộc, thông dụng, thường đơn sơ và tiện dụng, là nơi để nấu ăn và làm buồng ngủ cho các thành viên trong gia đình.

Khi lên nhà trên, người ta thường chú ý đến sự trang trọng. Nếu đang mặc một chiếc áo ngắn tay, người ta sẽ khoác thêm một chiếc áo dài tay bên ngoài. Ảnh chụp tại nhà Cai tổng họ Lâm, người chủ (áo sơ mi trắng) và người khách (áo bà ba đen) đang ngồi dịch chữ Hán ở nhà trên.

Người khách vừa vào nhà thường đến cúi chào trước bàn thờ tổ tiên của gia chủ như một cử chỉ lễ phép, lịch sự. Bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà. Bên trên là một trang thờ Phật hay các vị gia thần như thần Táo, Quan công, những vị thần được tin là bảo bọc cho các thành viên của gia đình.

Di ảnh, bằng khen và kỷ vật của tổ tiên được treo trang trọng khắp gian nhà trên. Cơi trầu khảm cẩn xà cừ của bà được đặt bên cạnh những bằng khen của ông. Những chiếc đèn pha lê kiểu tây đặt cạnh đồ vật đúc bằng đồng truyền thống. Phòng khách Việt là một sự “chiết trung” kết nối nhiều phong cách, là sự xếp tầng của các lớp ký ức qua từng thế hệ, để vẽ nên bề dày mà gia đình đã đi qua theo chiều dài lịch sử.

Người khách vừa vào nhà thường đến cúi chào trước bàn thờ như một cử chỉ lễ phép, lịch sự. Ảnh chụp tại nhà cổ họ Mai, Vĩnh Long.

Những mảnh giấy tờ gợi nhắc đến công trạng tổ tiên. Ảnh chụp tại nhà cổ Trần Công Vàng, tỉnh Bình Dương.

Phòng khách chứa đầy sự hiện diện của tổ tiên. Ảnh chụp tại nhà cổ Trần Công Vàng, tỉnh Bình Dương.

Nhà truyền thống miền Nam hầu như đều theo một lối bố trí chung gồm hai cửa buồng dẫn ra nhà sau, nơi bếp núc và buồng ngủ. Khác với những cánh cửa đóng chặt trong ngôi nhà hiện đại, cửa buồng nơi nhà truyền thống là những tấm màn vải mềm mại, là một dấu hiệu nhẹ nhàng thông báo người khách rằng sau tấm vải ấy là không gian riêng tư.

Sau tấm màn là sự kín đáo của không gian riêng. Ảnh chụp tại nhà cổ họ Trần, tỉnh Bình Dương.

Cô Bảy chủ nhà cổ Lê Quang Xoát ở Cái Bè là người bạn vong niên thân quen của chúng tôi. Cô Bảy tiếp chúng tôi trên bộ ngựa bằng đá cẩm thạch, một vật gia bảo mà cô rất tự hào. "Bộ ngựa" là chiếc giường (thường làm bằng gỗ, những gia đình giàu có mới sắm được bộ ngựa cẩm thạch) dùng làm nơi tiếp khách và dành cho khách ngủ lại nhà. Cô nói, "tụi con hãy nằm thử lên đây, mùa hè bộ ngựa này mát rượi, không có chỗ nào có được bộ ngựa mát như vầy". Cảm giác mát lạnh khi chạm tay vào đá là sự xa hoa dành cho xúc giác, trăm năm trước và trăm năm sau vẫn tìm thấy sự tương đồng. Cô Bảy ngồi bắt chân trên bộ ngựa, một dáng ngồi đặc trưng của người Nam Bộ xưa, và cứ thế kỷ niệm của cô ùa về qua những câu chuyện cô say sưa kể suốt một buổi trưa hè.

Cô Bảy chủ nhà cổ Lê Quang Xoát là một người bạn vong niên của dự án. Cô kể về chiếc giường đá mà cô rất mực hãnh diện.

Cô chỉ tay lên những hình chạm còn nguyên vẹn vết mạ kim và những hình chạm đã rơi rụng dần theo năm tháng. Ngôi nhà cô đang sinh sống là nơi ước mơ của tổ tiên trở thành sự thật và những kỳ vọng được gửi gắm đến thế hệ sau, là nơi những hình ảnh tiền nhân nương náu lại để trông chừng con cháu. Do đó “Phòng khách" của một ngôi nhà cổ là không gian “chung", chung của các thế hệ đương sống và chung của những thế hệ xuyên dòng thời gian.

Bài viết: Hiếu Y

Hình ảnh: Ninh

Lời ngỏ

Tản Mạn Kiến Trúc là một dự án nghiên cứu độc lập với mục tiêu giới thiệu vẻ đẹp của di sản kiến trúc đến cộng đồng. Hành trình của Tản Mạn Kiến Trúc sẽ thuận lợi hơn khi nhận được sự đóng góp từ quý vị bạn đọc.

>>> ĐÓNG GÓP

Bài viết liên quan

Ngôi nhà là một minh chứng cho giai đoạn giao lưu Pháp Việt ở đầu thế kỷ 20, khi những ảnh hưởng từ Pháp song hành cùng truyền thống trang trí của Việt Nam trong cùng một không gian.

Vĩnh Long là một đô thị có lịch sử lâu dài ở vùng trung tâm đồng bằng. Tại đây nhiều cộng đồng cư dân với nhiều lớp văn hoá đã cùng sinh sống và tương tác suốt các giai đoạn lịch sử của vùng đất.

Quay lại trang chính