Nội thất Dinh Độc Lập

Phòng Khánh tiết với các hạng mục trang trí sơn mài do Công ty Mỹ nghệ Mê Linh thực hiện.

Việc hoàn thiện một khối lượng công việc khổng lồ để kịp tiến độ hoàn thành trang trí Dinh Độc Lập đặt ra áp lực lớn lên đội ngũ các văn phòng thiết kế. Trong hai năm 1966, 1967, Dinh Độc Lập đã trở thành một công trường khổng lồ nơi các nhà thiết kế thử nghiệm và hiện thực hóa suy tư của họ.

Ghế ăn tại phòng Đại yến, với họa tiết hồi văn và mây ở phần lưng ghế.

Sau trận ném bom năm 1961, công trình Dinh Độc Lập được xây dựng lại theo phong cách hiện đại, thay cho dinh thự Tân Baroque xây từ thời Pháp. Trong giai đoạn hoàn thiện Dinh mới vào các năm 1966-1967, Uỷ ban Trang trí Dinh Độc Lập đã mở hình thức đấu thầu công khai, văn phòng trang trí nào đề xuất phương án thiết kế tối ưu với kinh phí phù hợp nhất sẽ được giao nhiệm vụ trang trí cho các hạng mục cụ thể bên trong Dinh.

Nhiều văn phòng trúng thầu đã làm việc song song nhằm hoàn thiện khối lượng công việc khổng lồ, đáp ứng mục tiêu hoàn tất trang trí vào năm 1967. Các hạng mục trang trí được thực hiện độc lập, song ta vẫn có thể nhận ra sự mạch lạc, xuyên suốt trong tổng thể nội thất Dinh, cho thấy tính hiệu quả trong công việc điều phối toàn bộ dự án từ phía Uỷ ban Trang trí.

Bài viết này trình bày sơ lược về nội thất Dinh Độc Lập dựa trên khảo sát hiện trạng hiện nay (từ 2018-2023), kết hợp với ảnh tư liệu lịch sử. Thông tin về các văn phòng trang trí được chúng tôi trích lục thông qua tài liệu lưu trữ thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II và thông qua một số hiện vật, bảng tên được tìm thấy trong Dinh Độc Lập.

Tính hiện đại

Về tổng thể, nội thất Dinh mang tính hiện đại để phù hợp với kiến trúc của toàn công trình. Các vật liệu công nghiệp hiện đại như bê tông, kính, thép đã được đưa vào nội thất.

Đường thẳng được sử dụng xuyên suốt trong nội thất, nhấn mạnh các phương vị ngang và đứng một cách khúc chiết. Viền các khung cửa và cửa sổ được bao quanh bằng các khung đúc bằng đá mài hoặc khung gỗ. Trần cũng được chia nhỏ bằng hệ ốp gỗ ngang và dọc, nhấn mạnh hình dáng chữ nhật của căn phòng.

Không gian nội thất được lấy sáng một cách hiệu quả thông qua các khoảng trống lớn trên các tường, vốn chỉ có thể đạt được nhờ vào kết cấu bê tông cốt thép hiện đại. Các khoảng mở lớn đã kết nối không gian bên trong với bên ngoài, cho phép lượng ánh sáng lớn hơn đổ vào trong nội thất, tạo ra cảm giác năng động hơn nếu so sánh với ánh sáng nội thất giai đoạn trước. Nhiều cửa sổ kéo dài từ sàn lên đến trần, đóng khung những tán cổ thụ trong vườn thành một bức tranh khổng lồ, biến thiên nhiên trở thành một yếu tố trang trí cho nội thất.

Ở thư viện, cửa sổ băng ngang kéo dài mở ra các quang cảnh đa dạng, đóng khung khu vườn xanh mát bên ngoài thành những bức tranh phong cảnh nên thơ. Cửa sổ lớn cho phép ánh sáng tràn vào nội thất. Chiếc bàn lớn và các kệ sách tạo ra các đường dẫn theo phương ngang. Có thể thấy chuyển động theo chiều ngang đã được nhấn mạnh xuyên suốt trong nội thất Dinh.

Tính dân tộc

Song song với tính hiện đại là tinh thần dân tộc, vốn thường được nhấn mạnh trong các diễn ngôn kiến trúc giai đoạn giữa thế kỷ 20. Tinh thần này có mối liên hệ mật thiết với bối cảnh Việt Nam sau thời kỳ thuộc địa và các kiến trúc sư đã phản ứng với nó bằng ngôn ngữ của thiết kế.

Bằng cách kêu gọi việc quay về khám phá các kho tàng phong phú trong nghệ thuật truyền thống, và tìm giải pháp cách tân và tạo ra ý nghĩa mới cho kho tàng này, các kiến trúc sư giai đoạn giữa thế kỷ 20 mong muốn tạo ra một thực hành kết hợp hiệu quả giữa tính hiện đại, chủ nghĩa quốc tế với tinh thần dân tộc và đặc thù của địa phương. Các giải pháp ấy có thể nhận thấy qua:

Đồ nội thất được bịt chân bằng đồng và nhấn mạnh bằng các hoạ tiết truyền thống mạ đồng, tạo ra sự tinh tế và độ hoàn thiện cao cho các đồ vật. Vật liệu bọc phong phú, từ vải, nhung đến da thuộc. Ảnh chụp chân tủ ở phòng Đại yến.

Đặc dụng vật liệu gỗ

Lambri là một hệ ốp bằng các thanh gỗ đọc theo chân tường, thường cao trên dưới 1m, một số căn phòng được ốp cao tận trần. Lambri gỗ vừa có tác dụng giúp chân tường sạch, dễ dàng lau chùi, vừa tạo ra một sự kết nối liền mạch theo phương vị ngang, màu sắc của gỗ mang đến cảm giác ấm áp, sang trọng. Nhiều ngôi nhà của người dân trong giai đoạn các năm 50-60-70 cũng ứng dụng rộng rãi hình thức ốp gỗ trên tường như thế này. Vật liệu gỗ còn được sử dụng cho tay vịn cầu thang, các khung bao quanh cửa, tấm che máy lạnh và khung đèn trần.

Vật liệu gỗ còn được sử dụng cho tay vịn cầu thang, các khung bao quanh cửa, tấm che máy lạnh và khung đèn trần. Ảnh trên là một trong hai chiếc cột đặt ở lối vào sảnh chính, ốp gỗ, bịt đồng ở chân. 

Đồ nội thất thường thấp, vừa vặn với tầm thước cơ thể người, các vật trang trí treo trên tường cũng được đặt ở vị trí ngang đường tầm mắt và ít có các trang trí đặt ở quá cao, đồng thời tiết chế trang trí bề mặt để dành chỗ cho các khoảng trống. Hệ tủ âm tường thường được sử dụng trong các phòng, có sự kết nối liền mạch giữa phần đồ nội thất và kiến trúc, ví dụ tủ được thiết kế để ôm vừa khít vào các cửa sổ. Nội thất có các băng ngang nổi bật để nhấn mạnh phương ngang của căn phòng, ví dụ kệ trang trí, các tay vịn lớn và nổi bật ở bàn ghế trong phòng Khánh tiết, hay các băng ghế được đặt đây đó trong các dãy hành lang.

Tủ sơn mài do trang trí gia Nguyễn Văn Triêm và các cộng sự thực hiện cho phòng tiếp khách Quốc nội của Tổng thống.

Sơn mài

Bên cạnh trang sơn mài treo tường, đồ nội thất phủ sơn mài được sử dụng phổ biến. Nổi bật trong số đó là cặp tủ do trang trí gia Nguyễn Văn Triêm và các cộng sự thực hiện. Ông Nguyễn Văn Triêm là người trúng thầu phần trang trí phòng tiếp khách Tổng Thống (tầng 1) với các hạng mục màn treo, đôn, bàn cafe, bàn khách, sofa, tủ, tranh sơn mài... Hai tủ tường phòng tiếp khách quốc nội làm bằng chất liệu gỗ phủ sơn mài màu son, kích thước 1.4m x 0.45m x 1.7m, chân đế được bọc đồng, tay nắm bằng đồng tạo hình như tay nắm cửa nhà xưa. Trên phần cánh tủ vẽ bốn loài thực vật mang tính biểu tượng trong truyền thống Đông Á và được phân bố theo cặp, mai đi cùng với lan, trúc đặt cạnh cúc.

Phòng Đại yến sử dụng màu vàng và các vật liệu hấp thụ ánh sáng.

Sự chú ý đến cảm xúc của màu sắc

Các gian phòng quan trọng trong Dinh được trang trí theo các gam màu chủ đạo. Phòng Đại yến sử dụng màu vàng, kết hợp với các hoạ tiết thực vật, tạo ra tổng thể ấm áp, chào đón, phù hợp cho gian phòng đãi tiệc. Phòng Nội các sử dụng thảm, màn, da thuộc màu xanh lá và màu đen, tạo ra cảm giác mát mẻ, xoa dịu các cuộc họp vốn căng thẳng. Phòng Khánh tiết được sử dụng cho các cuộc thảo luận ngoại giao, cũng được trang trí bằng gam màu vàng. Nhưng trong khi vật liệu ở Phòng Đại yến hấp thụ ánh sáng một cách nhẹ nhàng (nhung và vải), thì đồ sơn mài bóng loáng ở phòng Khánh tiết phản chiếu ánh sáng, tạo ra hiệu ứng hào nhoáng, gây ấn tượng mạnh. Trong khi đó các gian phòng tiếp khách của Tổng thống thì mang sắc đỏ của thảm và sơn mài màu son.

Phòng Khánh tiết sử dụng sơn mài và các vật liệu phản quang.

Chiếc đèn nổi bật và bộ bàn ghế được nhấn mạnh bằng các đường tròn tại phòng Giải trí.

Khác với cảm giác trang trọng có phần nghiêm khắc ở các gian phòng có tính lễ nghi cao, phòng Giải trí được trang trí bằng các màu vui nhộn, thiên về pastel như hồng, vàng, xanh lá. Một chiếc đèn treo tường phom tròn màu hồng, đỏ và vàng tạo ra điểm nhấn cho toàn bộ căn phòng. Các bộ bàn ghế cũng nhắc lại phom tròn của chiếc đèn, làm thành một tổng thể có chút nghịch ngợm, thoải mái. Các bức tranh treo tường gợi nhắc các phong cách Pop Art và Trừu tượng Biểu hiện đang thịnh hành tại Mỹ vào giai đoạn thập niên 1950-1960.

Những vật dụng màu pastel được bắt gặp đây đó khắp trong Dinh Độc Lập. Ảnh chụp bộ điện thoại bàn đặt tại phòng Chiến lược.

Mang thiên nhiên vào bên trong 

Như đã nói, các khoảng mở lớn trên tường đã mang quang cảnh vườn cây xung quanh vào trong nội thất. Tại khu vực nhà khách phía sau phòng Khánh tiết còn có một khu vườn bên trong nhà, được cẩn trọng sắp đặt theo phong cách vườn truyền thống Đông Á.

Việc hoàn thiện một khối lượng công việc khổng lồ để kịp tiến độ hoàn thành trang trí Dinh Độc Lập đặt ra áp lực lớn lên đội ngũ các văn phòng thiết kế. Khi kết nối từng hạng mục riêng lẻ, các nhà thiết kế đã tạo ra một tổng thể ít nhiều có sự liên hệ với nhau, minh họa một tinh thần chung mà các kiến trúc sư, nhà thiết kế tìm kiếm trong giai đoạn giữa thế kỷ 20, đó là khôi phục kho tàng trang trí truyền thống, đồng thời tìm kiếm ngôn ngữ mới, hợp lý và hợp thời cho kho tàng phong phú ấy. Những nỗ lực của họ cần được xem xét trong bối cảnh của một Việt Nam hậu thuộc địa, nhiều biến động, giữa khuynh hướng quay trở lại quá khứ và hướng tới tương lai. Trong hai năm 1966, 1967, Dinh Độc Lập đã trở thành một công trường khổng lồ nơi các nhà thiết kế thử nghiệm và hiện thực hóa suy tư của họ.

Bài viết: Hiếu Y

Hình ảnh: Duy Khang

Bài viết liên quan

Nằm trong kế hoạch định hướng Đà Lạt trở thành trung tâm học thuật của đất nước, năm 1961 Nguyên Tử Lực Cuộc đã thành lập Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt theo lệnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Khu vực Công trường Quốc tế - Hồ Con Rùa trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng. Cùng lật giở từng lớp lịch sử chồng lấp khám phá những đổi thay của thành phố, cảnh quan và con người.