Thư viện Khoa học Tổng hợp

11Aug2023

Thư viện Khoa học Tổng hợp (trước đây tên là Thư viện Quốc gia) thể hiện nhiều đặc điểm của dòng kiến trúc hiện đại được phát triển tại miền Nam Việt Nam trong những năm nửa cuối thế kỷ trước, đặc biệt trong kỹ thuật điều tiết vi khí hậu, trang trí và xử lý bề mặt.

Công trình do hai Kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiện thiết kế chính, Kiến trúc sư Lê Văn Lắm tư vấn về mặt kỹ thuật. Sau 3 năm xây dựng, thư viện được khánh thành vào ngày 23-12-1971.

Cấu trúc thư viện được phân chia thành hai khối chính là khối dịch vụ (dãy nhà nằm ngang, gồm một hầm, ba tầng và sân thượng) và khối nhà chuyên môn (14 tầng, chiều cao 43m). Việc phân chia thành hai không đứng và ngang như thế tạo ra sự sắp xếp chức năng hợp lý. Khối nhà dịch vụ có kết cấu mở, dễ tiếp cận với công chúng và được tập trung xử lý phần trang trí; trong khi khối lưu trữ tiết chế, kín đáo và bảo mật hơn.

Phần khối nhà ngang thể hiện nhiều đặc điểm của dòng kiến trúc hiện đại được các kiến trúc sư Việt Nam phát triển. Tại đây, kiến trúc hiện đại quốc tế đã trở nên hòa nhập hơn với bối cảnh địa phương. Các kiến trúc sư đã quay trở về tham khảo đặc trưng của kiến trúc và trang trí truyền thống Việt Nam. Nỗ lực tìm kiếm ngôn ngữ thể hiện mới cho kho tư liệu truyền thống vốn đã được khởi động từ thập niên 1930 với các kiến trúc sư người Pháp ở Đông Dương, tuy thế phải đến sau thời kỳ thuộc địa thì khuynh hướng này mới có sức ảnh hưởng đáng kể. Những nhà kiến thiết giai đoạn này tìm thấy ở chủ nghĩa hiện đại một tinh thần phổ quát, không có sự luyến tiếc với quá khứ thuộc địa, đồng thời trên phông nền hiện đại họ có thể tự do thể nghiệm với các dữ liệu truyền thống, đặc biệt là các kỹ thuật xử lý không gian, khí hậu và trang trí.

Mặt trước và mặt sau của khối nhà được phủ bằng lớp tường đôi, bên ngoài là các lam (brise soleil) bằng bê tông, đóng vai trò như lớp vật liệu hấp thụ nhiệt, điều tiết ánh sáng và nhiệt độ cho không gian bên trong. Cấu trúc tường đôi này vốn không còn mới lạ trong giai đoạn xây dựng thư viện, nó đã được thử nghiệm và ứng dụng rộng rãi trên các công trình cả công cộng lẫn dân dụng ở khắp miền Nam Việt Nam. Nhưng trên thư viện này, với quy mô của một hạng mục đầu tư cấp quốc gia, phần vật liệu và trang trí đã được tập trung xử lý một cách tỉ mỉ. Sự đan xen của các vật liệu đa dạng (bê tông thô, đá rửa, khảm tráng men), độ nông sâu của các tấm bê tông và hiệu ứng ánh sáng thay đổi liên tục đã tạo ra một tổng thể giàu giai điệu. Các hoạt tiết trang trí truyền thống đã được biến đổi tương đối về mặt tạo hình và phân bố khắp các bề mặt của công trình.

Hoạ tiết linh vật và văn tự truyền thống được khéo léo sắp xếp trên các lớp lam.

Nước tạo ra bề mặt phản chiếu và góp phần điều tiết nhiệt độ. Tấm trần bê tông lớn tạo ra bóng mát đổ xuống khoảng sân cho phép người đọc có những khoảng nghỉ ngơi, trò chuyện thoải mái.

Chính trong tổng thể trang trí này, chúng ta có thể tìm thấy những cách tiếp cận thú vị về mặt xã hội. Trong khi nhiều nhà lý luận kiến trúc bận tâm về tính trung thực (honesty) của các hình thái kiến trúc, trong đó tập trung xem xét độ hài hòa của hình thức và có phần xem nhẹ phần trang trí, mà với họ là sự tha hoá và phù phiếm (Adolf Loos, 1913), thì ngược lại các nhà phân tích theo ảnh hưởng của Gottfried Samper (trích dẫn qua Buchli, 2013) cho rằng trang trí là đáng quan tâm về mặt học thuật. Samper đề xuất rằng bề mặt trang trí là nơi diễn ra các tương tác xã hội, qua đó nhà phân tích có thể 'đọc' được các ý nghĩa về địa vị xã hội, bản sắc, các vận động đặc trưng của thời đại. Quan điểm của Samper hướng ra khỏi mối bận tâm về hình thức trung thực và làm cho nghiên cứu kiến trúc có khuynh hướng xã hội nhiều hơn.

Qua các tài liệu lưu trữ, thư từ, công văn, chúng tôi thấy rằng các nhà kiến thiết giữa thế kỷ 20 ở Việt Nam đã đón nhận tính hiện đại với cả sự hào hứng lẫn băn khoăn. Đối với họ, tính chất phổ quát của thế giới hiện đại, đặc biệt được trải nghiệm trong bối cảnh sau thời kỳ thuộc địa, cho phép họ tự do nghĩ về tương lai và lạc quan hoạch định kế hoạch phát triển. Hàng loạt các công trình thuộc hạng mục giáo dục (thư viện, trường học, cơ sở khoa học) được xây dựng theo các nguyên lý hiện đại. Song đồng thời không ít lần họ cũng bày tỏ nỗi lo đánh mất nét riêng và mất kết nối với văn minh cổ truyền, vốn đã chịu sự đứt gãy và mai một dưới thời thuộc địa (Nguyễn Mạnh Bảo, 1962, thư gửi Tổng thống). Thông qua hàng loạt các thử nghiệm tại nhiều công trình khác nhau, họ đã nỗ lực vận dụng các tham khảo truyền thống, tôn vinh tay nghề của thợ địa phương và sử dụng các họa tiết mang ý nghĩa biểu tượng mỗi khi có thể, đặc biệt trên các công trình công cộng và hành chánh như Dinh Độc Lập, Tượng đài Công trường Viện trợ Quốc tế (Hồ Con Rùa), Tượng đài Tổ quốc Không gian, Thư viện Tổng hợp. Điều này nằm trong sự cố gắng tập thể nhằm kiến tạo bản sắc, như một sự phản ứng với quá trình hiện đại hóa, phổ quát hóa đặc trưng của thời kỳ đó.

Bóng đổ và ánh sáng tạo ra nhịp điệu. Một phần nhiệt lượng được lớp lam hấp thụ khiến cho phòng đọc bên trong mát mẻ hơn. Một lượng ánh sáng vừa phải đổ vào trong nội thất. Kết cấu như thế tạo ra sự điều tiết và góp phần giảm năng lượng tiêu tốn cho điều hoà và chiếu sáng. 

Nội dung: Tản Mạn Kiến Trúc

Ảnh: Duy Khang

Bài viết liên quan

Nằm trong kế hoạch định hướng Đà Lạt trở thành trung tâm học thuật của đất nước, năm 1961 Nguyên Tử Lực Cuộc đã thành lập Trung Tâm Nguyên Tử Lực Đà Lạt theo lệnh của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Trong các phương án gửi về trong cuộc thi thiết kế, giải pháp của KTS Huỳnh Kim Mảng được đánh giá cao và được trao giải nhất. Tuy thế, dự án xây dựng lại chợ trung tâm đã không được theo đuổi đến cùng và ngôi chợ vẫn giữ nguyên hiện trạng cho đến hôm nay.